Bước kế thừa vì mục tiêu "Indonesia vàng 2045"
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở quốc gia Đông Nam Á này sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ ngoài phòng bỏ phiếu được công bố.
Ngày 15/2, Tổng thống đương nhiệm Indonesia Joko Widodo đã chúc mừng ông Prabowo Subianto.
Kết quả chính thức của cuộc tổng tuyển cử tại Indonesia chỉ được công bố vào tháng 3 tới, song các hãng thăm dò ý kiến được chính phủ phê duyệt đã thu thập mẫu phiếu bầu tại các điểm bỏ phiếu để thực hiện công tác "kiểm phiếu nhanh" đáng tin cậy, theo đó ông Subianto giành được gần 60% số phiếu ủng hộ, vượt trội so với tỷ lệ 25% và 17% của hai đối thủ còn lại. Dù không phải kết quả chính thức, nhưng độ chính xác của kết quả kiểm phiếu nhanh đã được chứng minh trong các cuộc bỏ phiếu trước đây.
Đối với nhiều người dân Indonesia, kết quả này không quá bất ngờ vì đã từng được dự báo qua các cuộc thăm dò ý kiến trong suốt quá trình tranh cử từ tháng 11/2023 đến trước thời điểm cuộc bầu cử chính thức diễn ra. Ông Prabowo nhận được sự ủng hộ của một bộ phận không nhỏ cử tri nhờ xuất thân từ quân đội. Ông là một chính trị gia, doanh nhân và sĩ quan quân đội cấp cao của Indonesia với sự nghiệp quân ngũ 28 năm trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh, chính trị và chính phủ.
Ông Prabowo được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng thứ 26 của Indonesia nhiệm kỳ 2019 - 2024. Đây là lần thứ ba ông ra tranh cử tổng thống và trong cuộc bầu cử gần đây nhất (năm 2019), ông là đối thủ của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo.
Liên danh tranh cử Phó Tổng thống với ông Prabowo là Gibran Rakabuming Raka - con trai Tổng thống Joko Widodo. Sự lựa chọn này được đánh giá là "sáng suốt" khi ông Prabowo đồng thời nhận được sự ủng hộ của người tiền nhiệm và hưởng lợi từ những thành quả trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp của Tổng thống Joko Widodo, với tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Indonesia.
Trong thời gian tranh cử, ông Prabowo đưa ra chiến lược Chuyển đổi quốc gia với mục tiêu tăng cường sự thịnh vượng của đất nước. Về chính sách đối ngoại, ông chủ trương duy trì chính sách “độc lập và tự chủ”, đưa Indonesia trở thành láng giềng tốt và là bè bạn tốt của tất cả các nước; tiếp tục tôn trọng, duy trì quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản… và các quốc gia Hồi giáo; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế. Đây cũng là những đường hướng mà chính quyền Tổng thống Joko Widodo đang theo đuổi.
Kinh tế là lĩnh vực ông Prabowo tập trung hàng đầu với việc xây dựng các ngành công nghiệp hạ nguồn, cải thiện hệ thống thuế quốc gia, thúc đẩy các ngành kinh tế xanh, phát huy nguồn lực tài nguyên, tiếp cận các công nghệ mới, cam kết có thể tự chủ lương thực trong 3 năm tới...
Chiến lược của ông cũng hướng nhiều vào tầng lớp người lao động, người dân có thu nhập thấp với những việc làm cụ thể như xây dựng 3 triệu ngôi nhà ở khu vực nông thôn, thành thị và ven biển; cam kết giúp đỡ cư dân nghèo. Về các vấn đề y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, văn hóa, việc làm trong công nghệ thông tin và nguồn nhân lực, ông Prabowo chú trọng đến cải thiện cuộc sống của người dân Indonesia từ những việc làm cụ thể như cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho tất cả trẻ em và phụ nữ mang thai; xây dựng các bệnh viện và trung tâm y tế hiện đại ở mọi vùng của Indonesia...
Với những chương trình, kế hoạch trên, nhiều nhà phân tích nhận định ông Prabowo sẽ tiếp tục đường hướng phát triển và kế thừa những di sản của Tổng thống Joko Widodo về mặt kinh tế, chính trị và đối ngoại.
Ông Benni Sukadis, chuyên gia, điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia, nhận định nếu nói về sự hài lòng của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình thấp, ông Prabowo khá thành công. Ít có khả năng ông sẽ có nhiều thay đổi trong chiến lược phát triển đất nước.
Nhà quan sát nghiên cứu chính trị và an ninh quốc tế Ian Wilson, Đại học Murdoch của Australia, dự đoán ông Prabowo sẽ mở rộng cách tiếp cận "không đối lập" trong quản trị. Ông có lợi thế được 7 đảng ủng hộ, là thành viên của liên minh tranh cử, trong đó có Gerindra, Golkar, đảng Ủy nhiệm quốc gia (PAN), đảng Gelora... Mặt khác, ứng cử viên Prabowo từng tuyên bố rằng ông muốn có sự tham gia của "tất cả các bên" trong chính phủ tương lai.
Trên thực tế, khi lên nắm quyền năm 2019, Tổng thống Joko Widodo cũng đã tạo được “sự thỏa hiệp” khi quyết định bổ nhiệm những đối thủ của mình vào nội các. Khi đó, ông Prabowo trở thành bộ trưởng Quốc phòng và liên danh tranh cử của ông Prabowo là ông Sandiaga Uno đảm nhiệm chức bộ trưởng bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo.
Những người dân Indonesia ủng hộ ứng cử viên Prabowo đánh giá ông là một nhân vật đầy nhiệt huyết và có quyết tâm mạnh mẽ đưa đất nước phát triển thịnh vượng. Ông và cộng sự có thể thu hút được cảm tình từ đa số liên minh đảng và có những chính sách phù hợp với số đông người dân, đặc biệt là lớp trẻ Gen Z (những người sinh từ cuối thập niên 1990 cho đến 2012) và Millennials (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000).
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo mới của Indonesia cũng phải giải quyết hàng loạt thách thức về kinh tế, trong đó có vấn đề lạm phát, bài toán việc làm, hay tác động của các biến động địa chính trị khu vực, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và các vấn đề bền vững. Những khó khăn vẫn ở phía trước, nhưng cử tri Indonesia tin tưởng ứng cử viên Prabowo và liên minh của ông sẽ có thể đối mặt với thách thức và dẫn dắt đất nước hướng tới một “Indonesia Vàng 2045”, đưa Indonesia trở thành nền kinh tế phát triển vào dịp kỷ niệm 100 năm độc lập.