Những anh hùng ra đi từ mùa xuân ấy để đất nước bình yên
45 năm về trước, tiếng súng đã vang trên suốt rẻo biên cương Tổ quốc. Hàng vạn chiến sĩ vừa trở về từ cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, hay đang bảo vệ biên giới Tây Nam lại hành quân lên phía Bắc để đẩy lùi quân xâm lược bành trướng.
Từ hôm nay 17/2, Báo Hải Dương khởi đăng loạt bài "Những anh hùng ra đi từ mùa xuân ấy để đất nước bình yên". Loạt bài kể lại câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của những anh hùng liệt sĩ quê Hải Dương trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và hình bóng các anh trong tâm khảm của những người ở lại.
Bài 1 - 45 năm thờ chồng nuôi con duy nhất
Dù đã đi qua một nửa đời người, bà Nguyễn Thị Đáng (sinh năm 1954, ở phường Việt Hòa, TP Hải Dương) vẫn vẹn nguyên hình ảnh người chồng - liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Huân. Những lời nhắn nhủ và câu chuyện về lòng quả cảm của chồng là động lực giúp bà Đáng một mình ở lại nuôi người con gái duy nhất trưởng thành.
Cuối cùng ông đã trở về
Trong căn nhà gọn gàng phủ đầy cây xanh nằm cuối con ngõ nhỏ yên tĩnh trên đường Việt Hòa, phường Việt Hòa (TP Hải Dương), bà Nguyễn Thị Đáng và cô con gái Phạm Thị Thu Hà rưng rưng lần giở lại số hiện vật còn lưu giữ được của người chồng, người cha - liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Huân. Đó là vài tấm huy chương đã ố màu thời gian, tờ giấy khen "Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chống lụt" của Quân khu Tả ngạn... Tất cả số hiện vật ấy đều có từ trước đó, khi chiến tranh biên giới phía Bắc chưa nổ ra. Bởi lẽ, trước khi nằm lại biên cương phía Bắc, ông đã có nhiều năm lăn lộn ở chiến trường miền Nam và Lào, trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.
Ông Phạm Xuân Huân, sinh năm 1948 tại xã Việt Hòa (huyện Cẩm Giàng), nay thuộc phường Việt Hòa (TP Hải Dương). Tháng 4/1968, khi tròn 20 tuổi, ông từ biệt cha mẹ và người yêu ở cùng xóm - là bà Đáng bây giờ, để vào Nam chiến đấu.
Khoảng năm 1977, 2 năm sau cuộc chiến tranh chống Mỹ toàn thắng, Nam - Bắc đã chung một nhà, ông từ Lào trở về Thanh Hóa. Được tin này, bà Đáng tìm cách lên xe khách vào thăm người yêu. Cuộc hạnh ngộ chóng vánh nhưng đầy xúc động của một người lính còn chưa phai mùi khói súng và cô thôn nữ mới tròn hăm ba, dù chưa thỏa nỗi nhớ mong nhưng cũng mang đến cho họ một tình yêu nhỏ bé, là con gái Phạm Thị Thu Hà, sinh tháng 6/1977. Khi chị Thu Hà được 8 tháng tuổi, ông Huân có một lần về thăm nhà. Lúc ấy, tình hình biên giới phía Bắc ngày càng phức tạp. Khi con gái còn chưa quyện hơi bố thì ông Huân lại phải lên đường.
"Anh khoác ba lô, nhằm lúc con gái ngủ thì từ biệt mọi người rồi đi bộ lên ga Cao Xá (Cẩm Giàng) để xuôi lên biên giới phía Bắc. Cũng chỉ biết anh lên đánh quân bành trướng, còn cụ thể thế nào thì không rõ. Có lần đọc thư anh viết, đánh nhau dữ dội lắm, nó đổ sang biên giới rất đông", bà Đáng xúc động.
Mấy hôm sau thì đồng đội viết thư về báo ông đã hy sinh. Có một buổi trưa, anh bưu tá đứng ngoài đường gọi to: "Ai là chị Đáng thì ra nhận thư"... Khi đó bà Đáng ôm con chết lặng, nuốt nước mắt vào trong. Vẫn biết trai trong thời chiến sẵn sàng "Một xanh cỏ, hai đỏ ngực", song bà mong tin báo chồng hy sinh chỉ là một dòng tin giả...
Song cuối cùng ông đã trở về, nhưng trong một hình hài khác!
Lấy nhớ thương và con gái để làm chỗ dựa
Mất chồng từ năm 25 tuổi, còn con gái chưa đầy 2 tuổi, nghĩ về quãng đời trước mắt, bà Đáng biết đó sẽ là một con đường đầy chông gai.
Những đêm mưa phùn gió bấc, nằm trong căn nhà xiêu vẹo, bà Đáng chỉ biết ôm chặt con gái vào lòng tìm hơi ấm. Nhớ về ánh mắt cương nghị của chồng, rồi lại ngó sang cặp má bầu bĩnh của con, bà Đáng biết mình sẽ phải mạnh mẽ hơn để nuôi con, để sự hy sinh của chồng không uổng phí.
"Lúc còn rất nhỏ, tôi được đơn vị của bố đưa lên Sa Pa thăm mộ bố. Dù nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt của những người đồng đội bố. Khi đó tôi nghĩ chắc bố là một anh hùng", chị Phạm Thị Thu Hà kể lại.
Ông Huân là con út nên mẹ con bà Đáng ở cùng bố mẹ chồng. Để gồng gánh nuôi gia đình và cô con gái thường xuyên ốm đau, bà Đáng phải làm nhiều nghề, song chủ yếu vẫn trông chờ vào mấy sào ruộng khoán cùng chục con lợn. Khó khăn là thế song chưa bao giờ xóm làng nghe bà than vãn một lời. Mọi vất vả, nhớ thương, bà nuốt vào trong để nuôi con khôn lớn. Chị Thu Hà tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội, rồi công tác ở Bộ Tư pháp. Sau này vợ chồng chị chuyển hẳn về TP Hải Dương ở với mẹ và cùng làm doanh nghiệp.
Đến năm 1997, sau 18 năm nằm lại biên cương phía Bắc, phần mộ của ông được gia đình đón về.
"Bây giờ trên đó vẫn còn mộ gió. Năm 1997, gia đình đưa bố về và được xã đứng ra truy điệu. Lúc ấy gia đình mới hiểu rõ hơn về cuộc chiến bố và đồng đội đã trải qua, biết được về sự hy sinh anh dũng của bố", chị Thu Hà nói.
Năm 1979, ông Huân là trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 Quân khu 2. Trong tháng 2/1979, ông lập nhiều thành tích xuất sắc, chỉ huy đơn vị tiêu diệt 250 tên địch. Ngày 22/2/1979, địch huy động số quân đông, có pháo binh yểm trợ đánh phá vào trận địa của đơn vị, ông Huân bình tĩnh chỉ huy, mưu trí, linh hoạt, vừa đánh trực diện, vừa đánh bên sườn và tập hậu. Đơn vị của ông đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, đánh lui nhiều đợt tiến công, giữ vững trận địa.
Đến ngày 23/2/1979, địch huy động một tiểu đoàn, có pháo binh yểm trợ đánh vào trận địa. Ông Huân chỉ huy đơn vị chiến đấu quyết liệt, giành giật từng mét giao thông hào, từng công sự. Trong trận này, ông được ghi nhận một mình tiêu diệt 45 tên địch.
Ngày 28/2/1979, sau nhiều lần thất bại nặng nề, địch huy động một lực lượng lớn, chia làm nhiều hướng, nhiều mũi đánh vào trận địa. Ông Huân chỉ huy đơn vị chiến đấu suốt từ sáng đến chiều, đánh lui nhiều đợt tiến công và anh dũng hy sinh sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Phạm Xuân Huân đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng III, 3 Huân chương Chiến công hạng III và danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Ngày 20/12/1979, liệt sĩ Phạm Xuân Huân được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Kỳ sau: Hài cốt liệt sĩ trở về trong làn bão đạn