Từ 1/7, cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định quốc tịch
Một trong những điểm mới của Luật Căn cước là quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Từ ngày 1/7 tới đây, Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều sẽ có hiệu lực. Một trong những điểm mới được người dân đồng tình ủng hộ là quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
Theo TS. Lưu Đức Quang, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, thực tế hiện nay có không ít người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính quyền các địa phương không có bất kỳ thông tin nào về những người này và chính họ cũng không có giấy tờ chứng minh về nhân thân, lai lịch của mình.
Thực tế này đã gây ra nhiều khó khăn trong việc quản lý về an ninh, trật tự xã hội... Hơn nữa, đối với người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch, đây là rào cản khiến họ gặp khó trong các vấn đề khám chữa bệnh, học tập, tìm việc làm, trợ cấp, trợ giúp, an sinh xã hội…
Việc cấp giấy chứng nhận căn cước góp phần bảo đảm quyền lợi, tạo ra nhiều cơ hội để người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch, trong đó có người yếu thế và những trẻ em là con của người gốc Việt Nam được hưởng những quyền cơ bản nhất, giúp họ có được một cuộc sống tốt hơn trong tương lai.
"Lần này có một điểm rất mới và thiết thực. Đó là bao quát được một đối tượng là người gốc Việt Nam nhưng không có quốc tịch thì chúng tôi cho rằng đây là một điểm rất tiến bộ và chính vì vậy, ngay cái tên gọi của luật đã được thay đổi, theo hướng là trước đây gọi là luật căn cước công dân thì bây giờ gọi là Luật Căn cước. Nghĩa là căn cước sẽ là một giấy tờ tùy thân không chỉ được cấp cho công dân Việt Nam mà cấp cho những người gốc Việt Nam," TS. Lưu Đức Quang cho biết.
Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước đang lấy ý kiến nhân dân, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đến cơ quan quản lý căn cước Công an cấp huyện nơi người dân đó sinh sống để tiến hành kê khai, thu thập thông tin quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Căn cước.