Phong tục - Lễ hội

"Dọn mình" đi lễ đầu xuân

CẨM GIANG 19/02/2024 19:00

Ngay khi giao thừa vừa điểm, có nhiều người, nhiều nhà ở Hải Dương đã sửa soạn "dọn mình" để đi lễ tại các đình, chùa.

img_4686-1-.jpg
Nhiều địa chỉ gắn với truyền thống hiếu học của mảnh đất tỉnh Đông được các gia đình tìm đến trong dịp đầu xuân. Trong ảnh: Văn miếu Mao Điền những ngày Tết Nguyên đán 2024

Tìm bình an, gạt bỏ muộn phiền

Trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, sau khi cùng gia đình chúc Tết người thân, ưu tiên tiếp theo của Phương Anh ở xã Tứ Cường (Thanh Miện) là đi vãn cảnh chùa.

Chùa Vinh Quang ở khu dân cư Phù Nội, thị trấn Thanh Miện là điểm đến được Phương Anh và người bạn đồng hành lựa chọn.

"Với em, đi lễ đầu xuân không cần mâm cao cỗ đầy mà chỉ cần thành tâm để tìm bình an, gạt bỏ muộn phiền để sống với năng lượng tích cực hơn trong năm mới", Phương Anh nói.

Đi lễ đầu xuân, đích đến không chỉ là đình chùa, mà tại Hải Dương có nhiều địa chỉ gắn với truyền thống hiếu học của mảnh đất tỉnh Đông cũng được nhiều gia đình tìm đến. Năm nay, anh Đào Bá Đức ở đường Nguyễn Văn Linh cùng cậu con trai cả đang là sinh viên đại học tại Hà Nội tìm đến Văn miếu Mao Điền ( Cẩm Giàng) ngay từ mùng 1 Tết.

Anh Đức cho biết, đây là địa chỉ được gia đình lựa chọn đưa các con đến từ nhiều năm nay, khi các cháu còn nhỏ. Thắp nén hương thơm, thành tâm cầu nguyện trên sân của trường thi xưa, xin một chữ của thầy đồ già về treo, gia đình không kỳ vọng các cháu hiểu ngay về truyền thống hiếu học của quê hương mà mong muốn ý thức học tập của các cháu từ đó ngấm dần và cứ thế nhân lên. "Một điều nữa khi gia đình đưa các con đến với các địa chỉ du lịch khoa bảng này là mong muốn các cháu có cơ hội tìm hiểu về sự nghiêm túc trong khoa cử ngày xưa, sự vất vả vươn lên trong học hành, thi cử của các bậc hiền tài", anh Đức nói.

Đi lễ đầu xuân, với rất nhiều người ngày nay, đó không phải là dịp cầu khấn lợi danh mà là cơ hội để con người được hòa mình vào với thiên nhiên, để được tĩnh tâm, tìm thanh thản, nhẹ nhàng cho tâm hồn. Và hơn hết, ai cũng gạt bỏ mọi lo toan, cau có, muộn phiền để "dọn dẹp một tâm hồn" thật đẹp đẽ, thánh thiện, yêu thương, trước khi bước đến cửa thiền.

Xuân yêu thương

img_11fe56adde45-1(1).jpeg
Xin chữ là một lệ tục đẹp của nhiều người trong dịp đầu năm mới

Thạc sĩ Hoàng Trung Thanh (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) nhận xét, đi lễ đầu năm đã nằm trong kế hoạch của rất nhiều người, nhiều gia đình, nhiều nhóm bạn bè mỗi dịp đầu xuân. Có người chọn đi du lịch, có người đi thăm hỏi bạn bè, nhưng có người lại chọn những cơ sở tâm linh làm điểm đến. Với những người này, đầu xuân được đắm mình trong tiếng chuông trầm ấm, trong làn hương vương vấn là như rũ bỏ được mọi ưu phiền, nhọc nhằn mưu sinh trong năm cũ, là mãn nguyện cho khởi đầu của một năm mới bình an.

"Đó là một nét đẹp của người dân Việt Nam đã lưu truyền từ ngàn đời nay. Trước kia, hầu như chỉ có các cụ bà ra chùa, cụ ông ra đình vào dịp đầu xuân năm mới, nhưng nay thì nam thanh, nữ tú đi lễ, đi vãn cảnh chùa đầu năm rất nhiều. Họ xúng xính váy áo, họ dắt tay nhau, họ cùng chắp tay cầu khấn. Hình ảnh đó đẹp lắm. Nó làm hòa nhập giữa những cái mới thanh xuân với chốn cửa thiền vốn thâm nghiêm, tĩnh lặng", thạc sĩ Hoàng Trung Thanh nói thêm.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hải Dương hiện nay có trên 1.000 di tích, trong đó có 4 di tích đặc biệt cấp quốc gia, 133 di tích cấp quốc gia, 271 di tích cấp tỉnh cùng hàng trăm di tích lịch sử, di tích lịch sử cách mạng, di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây là hệ thống di sản văn hóa vật thể quý giá, đã và đang làm phong phú thêm đời sống tâm linh, tinh thần của nhân dân.

Trong những ngày đầu năm mới, các di tích đã đón hàng vạn nhân dân và du khách thập phương đến tham quan chiêm bái. Và những địa chỉ nổi tiếng, không chỉ của Hải Dương mà của cả nước như Côn Sơn - Kiếp Bạc, Văn miếu Mao Điền, đền Cao An Phụ, đền Cao An Lạc, đền Tranh... là những điểm đến không thể thiếu đối với nhiều người mỗi dịp đầu xuân.

Một mùa xuân mới đã về với bao ước vọng ngập tràn vào tương lai xán lạn của quê hương, đất nước. Đó cũng là điều mà tất cả nhân dân và du khách cầu mong mỗi khi đi lễ đầu xuân.

CẨM GIANG