Sự kiện nổi bật ngày 13/2
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tại Điện Kính Thiên, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Thủ đô Hà Nội... là một trong những sự kiện nổi bật ngày 13/2.
TRONG NƯỚC
Trong không khí phấn khởi mừng Đảng, mừng xuân Giáp Thìn 2024, sáng 13/2 (tức mùng 4 Tết Giáp Thìn 2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tỏ lòng thành kính các bậc tiên đế, tiên hiền có công với đất nước tại Điện Kính Thiên, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Thủ đô Hà Nội. Trong không khí ấm áp đầu xuân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu đã thành kính dâng hương, cẩn cáo trước anh linh các bậc tiên đế, tiên hiền về những thành quả xây dựng, phát triển đất nước; cầu mong cho quốc thái dân an, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là nơi ghi dấu lịch sử nghìn năm, hội tụ hồn thiêng sông núi, tinh hoa văn hóa dân tộc, nơi các triều đại kế tiếp nhau mở mang nghiệp nước, xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc, bồi đắp truyền thống lịch sử, văn hiến lâu đời của dân tộc, lưu truyền đến thời đại Hồ Chí Minh ngày nay. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại Điện Kính Thiên, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Tiếp tục chương trình công tác đi kiểm tra các công trình trọng điểm ở phía Nam, sáng 13/2 (mùng 4 Tết Giáp Thìn), Thủ tướng Phạm Minh Chính đến kiểm tra tiến độ Dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và chúc Tết kỹ sư, công nhân, người lao động đang thi công tuyến đường. Cũng trong sáng 13/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến kiểm tra tiến độ và chúc Tết các đơn vị, kỹ sư, công nhân, người lao động đang thi công Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; thăm nhân dân Khu tái định cư dự án tại ấp An Bình, xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Chiều cùng ngày, tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến kiểm tra tiến độ thi công Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Ngày 13/2 (mùng 4 Tết), UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) tổ chức Lễ kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi mùa xuân Kỷ Dậu (1789) và động thổ tu bổ, tôn tạo Di tích địa điểm Chiến thắng Ngọc Hồi tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), nghĩa quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ đã lập nên kỳ tích vẻ vang, phá tan tuyến phòng thủ của quân Thanh, cùng cánh quân phía tây nam mở toang cửa tiến vào Kinh thành Thăng Long, xóa bỏ ách đô hộ của quân xâm lược nhà Thanh và chế độ phong kiến cuối thế kỷ 18, giành lại độc lập cho nước nhà. Nổi bật trong chiến công đó là trận hành quân thần tốc đại phá đồn Ngọc Hồi - cứ điểm phòng ngự quan trọng nhất trong hệ thống phòng thủ của Tôn Sĩ Nghị và quân nhà Thanh. Trong ảnh: Màn biểu diễn trống hội tại buổi lễ. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Ngày 13/2 (tức mồng 4 tháng giêng năm Giáp Thìn), người dân phường Đồng Kỵ, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh nô nức tổ chức Lễ hội rước pháo. Đây là một trong những lễ hội được tổ chức sớm nhất trong năm và có nhiều nét văn hoá đặc sắc nên nhận được sự quan tâm và thu hút đông đảo du khách. Trong quan niệm của người dân Đồng Kỵ, tục thờ pháo, rước pháo không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, mà còn mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, may mắn, tài lộc, mong muốn có một khởi đầu tốt đẹp hơn trong năm mới. Trong ảnh: Đám rước pháo di chuyển từ nhà truyền thống đến sân đình. Ảnh: Đỗ Huyền – TTXVN
600 du khách đến từ Trung Quốc đã cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh) trong ngày 13/2 (mùng 4 Tết) trên chuyến tàu biển Zhao Shang Yi Dun. Đây là chuyến tàu biển du lịch quốc tế đầu tiên cập cảng trong năm mới Giáp Thìn 2024. Sau khi cập cảng, đoàn du khách đã tham quan Vịnh Hạ Long, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, thăm Bảo tàng Quảng Ninh và một số điểm đến nổi tiếng của TP Hạ Long. Theo lịch trình, tàu biển Zhao Shang Yi Dun rời Hạ Long lúc 17 giờ cùng ngày để du hành tới các điểm du lịch nổi tiếng khác của Việt Nam. Tàu Zhao Shang Yi Dun là tàu du lịch cao cấp được ví như khách sạn nổi trên đại dương của Trung Quốc, bắt đầu khai thác hải trình Thâm Quyến - Hạ Long từ tháng 11/2023, với tần suất trung bình 4 lần/tháng. Trong ảnh: Các du khách được lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh và Cảng tàu Quốc tế Hạ Long tặng hoa, lì xì. Ảnh: TTXVN phát
QUỐC TẾ
Trung Quốc ngày 13/2 kêu gọi Israel ngừng hoạt động quân sự tại TP Rafah của Gaza "càng sớm càng tốt", đồng thời cảnh báo về "thảm họa nhân đạo nghiêm trọng" nếu giao tranh không dừng lại. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Trung Quốc theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở khu vực Rafah, phản đối và lên án những hành động gây tổn hại cho dân thường và vi phạm luật pháp quốc tế". Trong ảnh: Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống TP Rafah, Dải Gaza ngày 12/2. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng tin Yonhap, nhà chức trách Hàn Quốc ngày 13/2 cho biết lực lượng quân đội nước này tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) - Đơn vị Akh - đã tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên trong năm 2024 với quân đội nước chủ nhà, trong bối cảnh hai bên tăng cường hợp tác quân sự. Theo các quan chức Hàn Quốc, Đơn vị Akh gần đây đã tổ chức cuộc tập trận ở quốc gia Trung Đông này nhằm tăng cường khả năng phối hợp trong các hoạt động chống khủng bố trên bộ và trên biển. Trong ảnh: Quang cảnh cuộc tập trận. Ảnh: TTXVN phát
Ngày 13/2, truyền thông Thái Lan đưa tin cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra sẽ được trả tự do sau cuối tuần này. Ông Thaksin nằm trong danh sách 930 tù nhân đủ điều kiện được trả tự do do sức khỏe yếu hoặc trên 70 tuổi. Theo luật pháp Thái Lan, ông Thaksin có thể được trả tự do sau 6 tháng thụ án, tức là đến ngày 18/2 tới. Ông Thaksin, 74 tuổi, trở về Thái Lan hôm 22/8/2023 sau 15 năm lưu vong để đối mặt với hình phạt vì tội tham nhũng và lạm quyền khi còn đương chức trước năm 2006. Cùng ngày hôm đó, ông bị kết án 8 năm tù, sau đó được giảm xuống còn 1 năm do có được sự ân xá của Hoàng gia Thái Lan. Trong ảnh (tư liệu): Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra về nước sau 15 năm lưu vong ngày 22/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nước châu Âu cần một chính sách "bảo hiểm" khác ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ám chỉ một phương án khác về sự tự chủ quốc phòng và an ninh. Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne đưa ra ngày 12/2 sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có tuyên bố gây nghi ngờ về cam kết đối với NATO. Phát biểu cùng với Ngoại trưởng Đức và Ba Lan, ông Sejourne nêu rõ châu Âu cần có "bảo hiểm nhân thọ" thứ hai không phải để thay thế hoặc chống lại NATO mà là song hành cùng liên minh này. Trong ảnh: Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne phát biểu trong cuộc họp báo ở Chateau de La Celle-Saint-Cloud, gần Paris ngày 12/2. Ảnh: AP/TTXVN
Ngày 13/2, Bitcoin - đồng tiền điện tử (tiền mã hóa) lớn nhất thế giới - đã quay trở lại mốc giao dịch 50.000 USD, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2021. Nguyên nhân khiến giá Bitcoin tăng vọt được cho là sự phấn khích của những người tham gia thị trường trước thông tin các nhà lập pháp Mỹ sẽ cho phép thiết lập các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) để theo dõi giá Bitcoin, đồng thời cho phép công chúng đầu tư vào tiền điện tử mà không cần trực tiếp mua. Đồng Bitcoin hiện đã tăng khoảng 25% giá trị so với ngày 22/1 vừa qua. Theo dữ liệu của Bloomberg, trong ngày 13/2, Bitcoin đã đạt mức giao dịch 50.328 USD - mức cao nhất kể từ cuối năm 2021 và các nhà quan sát tỏ ra lạc quan về triển vọng này. Trong ảnh: Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN