Giải quyết câu chuyện lạm phát nhà ở Canada
Ngày 11/2, theo Thống đốc ngân hàng trung ương Canada (BoC) Tiff Mackhlem, một mình chính sách tiền tệ của ngân hàng không thể giúp giải quyết được vấn đề lạm phát chi phí về nhà ở.
Ông này cho rằng chi phí nhà ở đang ngày càng tăng sẽ không thể được giải quyết chỉ bằng chính sách tiền tệ. Mặc dù BoC đã tăng lãi suất liên tiếp trong hai năm qua, đẩy các khoản thanh toán vay thế chấp tăng cao, nhưng nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát chủ yếu là do sự mất cân bằng lâu nay trên thị trường nhà ở.
Chi phí nhà ở tăng cao đã trở thành vấn đề then chốt đối với BoC trong những tháng gần đây, đồng thời là chủ đề chính của nhiều cuộc tranh luận chính trị trên toàn quốc. Mặc dù lạm phát tổng thể đã giảm kể từ giữa năm 2022, nhưng tốc độ lạm phát nhà ở, gồm tiền thuê nhà, chi phí lãi vay thế chấp, giá nhà đất và các chi phí liên quan đến nhà ở khác vẫn tăng lên kể từ mùa hè năm ngoái.
Số liệu thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tổng thể đã giảm còn 3,4% trong tháng 12/2023 so với mức đỉnh 8,1% năm 2022, nhưng chi phí nhà ở vẫn tiếp tục tăng. Đây cũng là một phần kết quả của chính sách tiền tệ mà BoC áp dụng: khi lãi suất cao hơn sẽ thúc đẩy các khoản thanh toán thế chấp hàng tháng tăng.
Chi phí lãi vay thế chấp đã tăng 28,6% trong tháng 12 so với năm trước. Giá thuê nhà cũng tăng nhanh chóng, lên tới 7,7% trong 12 tháng so với năm ngoái, một phần do nhập cư tăng mạnh dẫn đến tình trạng thiếu nhà cho thuê kéo dài.
Chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực giải quyết sự mất cân bằng trên thị trường nhà ở như xiết chặt nhập cư và giải quyết tình trạng thiếu nhà ở mới. Gần đây Chính phủ Canada đã quyết định giới hạn sinh viên quốc tế ở mức 35% so với năm ngoái và hỗ trợ giảm thuế xây dựng nhà ở cho thuê để giải quyết vấn đề này.
Lạm phát về nhà ở là một vấn đề đặc biệt khó khăn đối với BoC. Lãi suất cao đang làm tăng thêm chi phí nhà ở khi thúc đẩy các khoản thanh toán hàng tháng lên cao sau khi chủ nhà đáo hạn các khoản vay thế chấp.
Tuy nhiên, cắt giảm lãi suất cũng có thể làm trầm trọng thêm lạm phát thông qua thúc đẩy làn sóng người mua tiềm năng đổ xô vào thị trường bất động sản, đẩy giá nhà lên cao và thúc đẩy hoạt động kinh tế liên quan đến nhà ở.
Đã có những dấu hiệu cho thấy điều này đang xảy ra trước những khả năng cắt giảm lãi suất. Theo Ủy ban bất động sản khu vực Toronto, doanh số bán nhà ở đây đã tăng 9,6% trong tháng 1/2024 so với tháng 12 năm ngoái.
Nhưng lãi suất cao cũng có thể làm giảm nguồn cung nhà do việc xây dựng trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm nhu cầu mua bán, đặc biệt là đối với các căn hộ chung cư. Ông Macklem thừa nhận vấn đề này, nhưng lại hạ thấp tầm quan trọng của nó và kêu gọi tất cả các cấp chính quyền chung tay để tăng nguồn cung nhà trên toàn quốc.
Nhà kinh tế Benjamin Tal của Ngân hàng CIBC tỏ ra đồng tình với lập luận của ông Macklem và cho rằng việc giới hạn sinh viên quốc tế có thể sẽ giúp thị trường cho thuê trở nên cân bằng hơn, nhưng vẫn cần phải làm nhiều việc hơn nữa để thúc đẩy vấn đề xây dựng các tòa nhà cho thuê.
Chủ tịch Tổ chức Kambo Energy Yasmin Abraham cho biết gần đây Hội đồng hành động vì giá cả hợp lý đã đưa ra những đề xuất để giải quyết vấn đề chi phí nhà ở một cách toàn diện bởi tác động của cuộc khủng hoảng nhà ở hay chi phí năng lượng và giá lương thực là không thể tách rời nhau. Cần giải pháp tổng thể để đảm bảo giải quyết tất cả các vấn đề.
Hội đồng hành động vì giá cả hợp lý, nơi tập hợp các đại diện của nhiều tổ chức xã hội, vừa gửi kiến nghị lên Chính phủ Canada, trong đó đề xuất giảm chi phí nhà ở và trợ cấp hàng tiêu dùng thiết yếu cho các gia đình thu nhập thấp nhằm giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt và nhà ở.