Khoa học - Công nghệ

Có nên dùng drone thay pháo hoa đêm giao thừa?

HA (tổng hợp) 11/02/2024 18:47

Câu chuyện dùng drone thay thế pháo hoa được nhắc đến, nhất là trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới đã chuyển sang dùng giải pháp này nhờ thân thiện với môi trường và mãn nhãn.

Hình ảnh hoàng thành Thăng Long trên bầu trời do drone tạo nên - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Hình ảnh hoàng thành Thăng Long trên bầu trời do drone tạo nên

Tối 9/2, màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật chào mừng năm mới bằng 2.024 máy bay không người lái (drone) trên bầu trời Hà Nội khiến nhiều người dân và du khách thích thú. Trên các trang mạng, các diễn đàn, cư dân mạng bàn tán rôm rả về màn trình diễn mà theo họ là quá bất ngờ, quá ấn tượng này...

Cạnh đó, câu chuyện dùng drone thay thế pháo hoa cũng được nhắc đến, nhất là trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới đã chuyển sang dùng giải pháp này thay cho pháo hoa nhờ thân thiện với môi trường và mang lại sự mãn nhãn.

"Sau nhiều năm trình diễn pháo hoa, lễ hội ánh sáng, năm nay một trải nghiệm mới và đáng nhớ cho người dân Việt Nam khi lần đầu được thưởng lãm nghệ thuật trình diễn ánh sáng bằng công nghệ drone. Theo tôi đây là một món ăn tinh thần rất mới và rất đáng quý dành cho người dân vào đêm giao thừa ý nghĩa", chị Trần Lê Hương Giang, giám đốc vận hành Công ty truyền thông Wecommunicators và là một người dân Hà Nội, chia sẻ.

"Nếu có thể góp ý để lần tới màn trình diễn được trọn vẹn hơn, tôi mong muốn các hình ảnh sẽ được trình chiếu dưới dạng 3D, đa chiều để người dân đứng ở mọi phía ở khu vực trình diễn cũng có thể thưởng thức được trọn vẹn hơn. Như năm nay, nếu đứng không xuôi hướng thì nhìn chữ sẽ bị ngược chẳng hạn.

Đặc biệt với tôi, ý tưởng dùng drone trình diễn pháo hoa kết hợp ánh sáng rất tuyệt. Nó sẽ như một bản giao hưởng ánh sáng và âm thanh rộn rã và hứng khởi trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới", chị Giang nói thêm.

Trong khi đó anh Nguyễn Lạc Huy, hệ thống bán lẻ CellphoneS, bày tỏ: "Khi mới nghe tin, tôi còn rất bất ngờ vì công nghệ này mới chỉ được áp dụng trên thế giới khoảng bốn năm trở lại đây và còn chưa phổ biến trong khu vực châu Á. Vậy mà Việt Nam đã có thể trình diễn tại Hà Nội và trước đó đã từng có tại TP.HCM.

Tuy nhiên, cảm nhận cá nhân của tôi khi xem đó là phần trình diễn đang bị tách lẻ, trình diễn drone trước, sau đó mới đến pháo hoa.

Thực tế đang có không ít ý kiến cho rằng pháo hoa ồn ào, sinh nhiều rác thải và gây ô nhiễm môi trường, từ đó đề xuất thay thế hoàn toàn bằng drone. Tuy nhiên theo tôi, dù công nghệ có nhiều đến đâu thì tiếng pháo và hình ảnh pháo hoa vẫn là những thứ không thể thay thế mỗi khi Tết đến.

Tôi nghĩ trong những lần sau, chúng ta có thể kết hợp hai màn này vào làm một, phần hình ảnh tạo ra bởi drone, kết hợp cùng âm nhạc, thuyết trình và tiếng pháo nổ nếu diễn ra cùng lúc sẽ tạo ra hiệu quả nghệ thuật cực kỳ mãn nhãn và bắt tai".

Rồng Thăng Long tạo hình từ 2.024 drone - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Rồng Thăng Long tạo hình từ 2.024 drone

Từ góc nhìn khác, anh Đặng Hữu Sơn, CEO Công ty Lovin Bot AI, trao đổi: "Cùng với pháo hoa, không ai nghĩ tại Việt Nam đã có màn trình diễn ánh sáng hoàn toàn bằng drone vào đêm giao thừa tại Hà Nội. Sự kiện này đã gợi mở ra rất nhiều ý tưởng về việc ứng dụng công nghệ cao, tạo nên những điểm nhấn khó quên cho người dân, giải quyết được các vấn đề của pháo hoa truyền thống".

Cũng theo anh Sơn, ở góc độ công nghệ, màn trình diễn này không phải mới, nhưng là xu hướng đang phát triển trên toàn thế giới nhờ yếu tố xanh và sạch, thậm chí có những nơi tại Mỹ đã ứng dụng công nghệ AI để điều khiển và dự đoán các yếu tố tác động tới drone nhằm đảm bảo tốt nhất cho màn trình diễn ánh sáng ở đẳng cấp cao.

Tuy vậy, chi phí cho các màn trình diễn hơn 2.024 drone này lên tới cả triệu đô la, là "quá sức" với rất nhiều đơn vị tổ chức sự kiện khi chọn lựa giữa pháo hoa và drone. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ drone vì yếu tố chi phí đa số vẫn phải "nhập khẩu" công nghệ điều khiển của nước ngoài, từ đó tạo ra những lo ngại về an ninh, mất kiểm soát drone quy mô lớn vào các dịp quan trọng.

"Cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ luôn khốc liệt, vòng đời của sản phẩm rất ngắn đòi hỏi doanh nghiệp luôn phải cập nhật, cải tiến để đáp ứng xu hướng, thị hiếu tiêu dùng mới. Điểm sáng từ sự kiện drone tại Hà Nội có thể mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng phần mềm drone tại Việt Nam", anh Sơn chia sẻ.

Đối với câu hỏi có nên thay pháo hoa bằng drone, anh nhìn nhận: "Tại những khu phố vốn yên bình, tiếng pháo khiến đêm giao thừa rộn rã, bầu trời đêm trở nên sáng rực, nhưng đi kèm là ô nhiễm môi trường, nguy cơ hỏa hoạn, ảnh hưởng trật tự an ninh".

HA (tổng hợp)