Sắc màu truyền thống trong trò chơi dân gian đầu xuân ở An Lâm
Đã thành truyền thống, năm nào các thôn ở xã An Lâm, huyện Nam Sách (Hải Dương) cũng tổ chức trò chơi dân gian đầu xuân.
Về An Lâm sáng mùng 2 Tết, tiếng trống, tiếng nhạc rộn ràng từ nhà văn hoá các thôn. Đi theo âm thanh nhộn nhịp đó thấy nhiều người đang tụ tập chơi các trò chơi dân gian rất sôi nổi. Từ nhiều năm nay, năm nào các thôn ở xã An Lâm cũng tổ chức chơi các trò chơi dân gian dịp Tết. Riêng sáng mùng 2 Tết, các thôn Cẩm Lý, Bạch Đa tổ chức nhiều trò chơi, thôn An Lương tổ chức mừng thọ, buổi chiều biểu diễn văn nghệ...
Đến sân trước nhà văn hoá thôn Cẩm Lý, mở đầu ngày hội với trò đập niêu. Sân chơi mỗi lúc một đông hơn, tiếng khua trống, loa kéo thu hút, mời gọi nhiều người dân trong làng ra chơi hội đầu xuân.
Mỗi người đăng ký đập niêu nộp 10.000 đồng/lượt, nếu đập vỡ niêu mà đúng luật thì được 20.000 đồng/lượt. Số người đập vỡ niêu, lấy được tiền thưởng thì ít nhưng ai cũng muốn thử một lần chơi trò này. Có người bế con cũng đăng ký chơi bằng được. Người xem cũng hào hứng, phấn khởi với những tràng cười không ngớt. Một người đập niêu, cả làng cổ vũ, say sưa nhắc bài "sang trái", "sang phải tí nữa", "tiến lên", "lùi xuống", rồi cùng nhau nín thở chờ xem niêu có vỡ không. Cứ thế, ngày đầu xuân tất cả cùng được cười vui.
Vừa trong vai Ban tổ chức, vừa chơi thử sức trò đập niêu, ông Nguyễn Tuấn Hải, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Cẩm Lý phấn khởi vì trò chơi dân gian dịp Tết ngày càng thu hút đông đảo người dân trong làng tham gia.
"Cả ngày mùng 2 Tết, thôn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đập niêu, kéo co, nhảy bao bố, ném bóng... Đây là nét đẹp truyền thống đầu xuân của thôn nhằm tạo sự phấn khởi, tinh thần đoàn kết trong nhân dân", ông Hải vui vẻ nói.
Đúng với tinh thần đó, các trò chơi dân gian đầu xuân ở đây chủ yếu vui là chính, không quan trọng thắng thua mà chỉ cần nhiều tiếng cười. Ở trò chơi kéo co, thôn không quy định cứng số lượng người mà nam có thể kéo với nữ, người già kéo với trẻ, miễn không lệch quá là được. Người đang đi giày cao gót, mặc áo dài cũng vào góp sức. Cứ tham gia là có lì xì mang về. Ruột lì xì chẳng đáng bao nhiêu mà ai cũng vui.
Chị Đặng Thị Hằng ở thôn Cẩm Lý vừa xem thi đấu, tay vẫn cầm chiếc điện thoại gọi video về cho chồng không ra chơi được theo dõi và cảm nhận không khí sôi nổi này. "Chơi các trò chơi dân gian đầu xuân ở làng rất vui. Năm nay chồng tôi không ra được nên tôi gọi chồng xem online cho đỡ nhớ", chị Hằng chia sẻ.
Ở nhà văn hoá thôn Bạch Đa sáng mùng 2 Tết, 2 sân bóng chuyền hơi đã bắt đầu hiệp đấu từ sớm. Từ lâu bóng chuyền hơi đã trở thành môn được yêu thích ở thôn. Tiếp nối truyền thống tổ chức các trò chơi dịp Tết, bóng chuyền hơi được chọn thi đấu trong sáng mùng 2. Các câu lạc bộ bóng chuyền hơi trong thôn rất phấn khởi. Tiếp đó, thôn tổ chức thi đấu bóng đá và nhiều trò chơi dân gian khác.
Ở thôn An Lương, người dân phấn khởi tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi, rồi chơi các trò chơi dân gian. Từ xa đã thấy ông Mạc Đức Tăng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn An Lương mặc bộ vest trang trọng hơn ngày thường. Ông Tăng tất bật chuẩn bị nhưng khuôn mặt vẫn tươi cười rạng rỡ.
"Tổ chức mừng thọ và các trò chơi dân gian là nếp văn hoá từ lâu ở thôn. Năm nay, người dân càng phấn khởi hơn khi xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thời tiết mùng 2 Tết khô ráo, ấm áp cũng thuận lợi cho các hoạt động văn nghệ, thể thao", ông Tăng cho biết.
Chơi trò chơi dân gian ngày Tết đã và đang được gìn giữ ở xã An Lâm qua nhiều thế hệ như một nét đẹp văn hoá độc đáo không nhiều nơi có được. Qua những trò chơi, dân làng thêm gắn kết, hoà thuận. Những tiếng cười giòn giã ngày đầu xuân cũng mang đầy hy vọng một năm mới mưa thuận gió hoà, lao động sản xuất thuận lợi, đem đến ấm no cho mọi nhà.