Đừng lãng phí hoa Tết
Nếu không bán hết hoa Tết, người bán có thể mang đến trang trí tại những nơi công cộng, đình, chùa vừa góp phần làm đẹp, vừa tránh lãng phí.
Chiều 29 Tết, chị bạn tôi bán hoa ở TP Hải Dương đã than thở, năm nay một số hoa Tết truyền thống khách hàng hỏi mua không nhiều, có lẽ phải chịu lỗ vốn. Với những bó hoa không bán được, chị cũng chưa biết xử lý thế nào. Mang về thì vất vả, tốn thêm công sức vận chuyển mà vứt lại nơi bán hàng thì lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.
Chị bảo, thời tiết năm nay không thuận lợi, việc trồng hoa cũng khó khăn hơn những năm trước nên hoa cũng không được đẹp, nhất là hoa đào. Nhiều cây đã nở bung trước Tết nhưng cũng có cây nụ vẫn ngậm, chắc phải sau Tết mới bật ra được. Không những thế, năm nay, người buôn bán hoa khá đông trong khi lượng người mua chỉ có vậy nên tạo ra sự cạnh tranh về giá ngay từ sớm. Để buôn hoa Tết, người buôn phải chuẩn bị khá nhiều tiền, những người bán các loại hoa có giá trị cao như lan, mai… số vốn bỏ ra lên đến cả trăm triệu đồng, còn ít cũng phải vài chục triệu đồng. Với những người nông dân, đó là cả năm chăm bón vất vả, tốn kém nhiều công sức và tiền bạc.
Từ sáng 29 Tết, nhiều cửa hàng bán hoa đã đề biển giảm giá với mong muốn sớm tiêu thụ hết hàng, có nơi giảm đến từ 50-60%. Hàng hết, người bán hàng vừa đỡ lo lắng lại vừa được về đón Tết sớm bên gia đình.
Những năm gần đây, đến 30 Tết ở nhiều nơi xuất hiện tình trạng người bán hàng đập bỏ nhiều chậu hoa, chặt cành nhiều cây cảnh vì đã giảm giá nhưng không có người mua hoặc người mua vẫn trả giá thấp hơn nữa. Hành động này vừa gây lãng phí, vừa phản cảm, tạo ra nhiều rác thải khiến công nhân môi trường phải vất vả hơn trong việc dọn dẹp.
Làm thế nào để những người buôn bán không phải lo ế hoa Tết, không có những hành động bất mãn đập bỏ. Trước hết, người buôn bán cần nhận định được thị trường tiêu thụ để chuẩn bị lượng hoa, cây cảnh vừa phải, không nên chuẩn bị quá nhiều. Giá bán cũng vừa phải, phù hợp, không nên bán với giá quá cao so với mặt bằng chung của thị trường mà phải biết “liệu cơm gắp mắm”, đừng để đến khi không tiêu thụ được thì mới hạ giá. Khi tiêu thụ không hết, cũng đừng nên có tư tưởng đập bỏ, gây lãng phí. Có thể mang đến trang trí tại những nơi công cộng, nhà chùa, công viên, vườn hoa… góp phần tô đẹp thêm cho những nơi này. Có những cây như đào, quất phải mất hàng năm mới tạo được thành dáng, nếu không bán được có thể mang về trồng lại trong vườn để tiếp tục chăm sóc cho năm sau, đỡ mất thời gian, công sức chăm bón.
Hoa Tết vốn là thứ hàng hóa không thiết yếu, nhiều gia đình có điều kiện đi mua sắm sớm song có nhiều gia đình còn bận việc, đến khi dọn dẹp nhà cửa, mua sắm hết đồ dùng trong ngày Tết mới nghĩ đến việc mua hoa. Song không vì thế mà người tiêu dùng đi mua hoa quá muộn. Cũng nên sắp xếp, bố trí thời gian mua hoa sớm để vừa mua được hoa đẹp, vừa được chơi hoa sớm và cũng là hành động chia sẻ với những người buôn bán hoa.
Tết đến xuân về, ai cũng mong một cái Tết vui vẻ, điền viên bên gia đình, người thân, hạnh phúc trong năm mới. Thế nên đừng để những việc không vui trong những ngày cuối năm này.