Đêm 30 Tết đặc biệt
Đêm 30 Tết năm nay thật đặc biệt, không chỉ là thời khắc Hải Dương cùng đón năm mới Giáp Thìn 2024 tràn đầy niềm tin và hy vọng, mà còn là một đêm 30 “đúng nghĩa” sau gần một thập kỷ nữa.
“Tống cựu nghinh tân” nghĩa là đưa cái cũ đi, đón cái mới đến, tống tiễn những khó khăn, vất vả năm cũ và dành chỗ cho những may mắn, tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Khoảnh khắc giao thừa linh thiêng giữa năm cũ và năm mới ấy đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam ta từ bao đời. Đó là những giây phút đầy cảm xúc của đêm 30 Tết.
Giao thừa đêm nay, Hải Dương sẽ ngập tràn màu sắc từ những màn pháo hoa lung linh ở nhiều địa phương. Song, một sự thật thú vị như thêm phần đặc biệt cho khoảnh khắc này. Đó là chúng ta sẽ phải chờ tới 9 năm nữa mới gặp lại đêm 30 Tết đúng nghĩa.
Đây cũng là chủ đề được bàn tán xôn xao trên nhiều kênh mạng xã hội ít ngày gần đây. Chị Nguyễn Thị Linh, sinh năm 1997 ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) chia sẻ: “Với gia đình tôi, đêm 30 là đêm giao thừa, là thời khắc mọi người cùng bên nhau đón mừng năm mới. Vì vậy, tôi không quá để tâm đến việc tháng chạp đủ hay thiếu ngày”.
Cùng chung quan điểm, anh Nguyễn Văn Đạt, sinh năm 1990 ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cho rằng giao thừa đúng đêm 30 Tết hay không chỉ là con số trên tờ lịch. “Các hoạt động chào đón năm mới không thay đổi nên việc này không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống mọi người. Hơn nữa, dù không có đêm 30 đúng nghĩa thì trong lòng mỗi người, vẫn có thể coi đêm giao thừa là đêm 30”, anh Đạt nói.
Không riêng thế hệ trẻ, ngay cả với nhiều người trung tuổi, đón giao thừa vào ngày 29 Tết thì cũng coi như ngày 30 Tết. “Vẫn lựa những cành đào, cây quất đẹp nhất để bày biện nhà cửa, vẫn là mâm ngũ quả dâng lên tổ tiên và những bữa cơm ấm cúng ngày Tết, vẫn là con cháu quây quần bên nồi bánh chưng nghi ngút khói thơm... Với gia đình tôi, đó là những phút giây của Tết, của khoảnh khắc đoàn viên, sum họp. Và đó chính là 30 Tết, dù tháng chạp có đủ hay thiếu”, ông Trương Văn Mát, 60 tuổi ở thị trấn Phú Thứ (Kinh Môn) chia sẻ.
Thực tế, dù không có ngày 30 tháng chạp thì lịch nghỉ Tết, các hoạt động vui đón Tết của người dân Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng vẫn diễn ra bình thường. Nói về tháng chạp thiếu, điều này từng xảy ra vào năm 2021 và nhiều năm trước đây. Năm 2021, chúng ta đón giao thừa, tiễn năm Tân Sửu, đón năm Nhâm Dần 2022 vào đêm 29 Tết.
Song với một số người, phải chờ đợi gần một thập kỷ nữa để trải nghiệm không khí ngày 30 Tết vẫn dâng lên cảm xúc bồi hồi. “Dù phong tục, tập quán đón Tết cổ truyền không thay đổi, nhưng phải chờ những 9 năm nữa mới có 30 Tết vẫn là một điều gì đó khiến tôi có phần hụt hẫng, thiếu thiếu một điều gì đó. Ngày 29 tháng thiếu thì cập rập. Có ngày 30 thì Tết mới thực sự là Tết”, chị Nguyễn Thị Hằng, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) chia sẻ.
Các mùng trong mấy ngày Tết cũng vui, cũng hào hứng nhưng nhiều người vẫn nhớ, vẫn yêu cái háo hức chiều 30 Tết lo mọi chuyện chu đáo, để rồi cùng gia đình chờ đợi giây phút giao thừa tiễn năm cũ đi, mừng năm mới đến.
Năm nay có ngày 30 Tết, thêm một ngày chờ xuân so với nhiều năm sau. Thêm một ngày tháng chạp dường như cũng thêm một ngày Tết. Cũng vì thế mà xao xuyến, thú vị là những điều tạo nên một 30 Tết đặc biệt đêm nay. Nó nhắc nhở mỗi người sống trọn vẹn hơn, đủ đầy hơn trong ngày đặc biệt này - ngày 30 Tết, với lời hẹn gần 10 năm nữa mới gặp lại.