Ngày xuân nói chuyện tu thân
Tu thân là hành trình đầy chông gai, thử thách của mỗi người trên con đường phát triển, thành công.
Mỗi độ Tết đến xuân về, lòng người rạo rực, vui tươi. Những ngày này, không chỉ hân hoan chào đón năm mới, nhiều người thích nhìn lại hành trình năm cũ để điểm lại những việc làm được, chưa làm được và rút ra những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống. Thành công hay thất bại trong một năm và cuộc đời mỗi người liên quan mật thiết tới việc tu thân của người đó.
Tu thân là gì? Nếu hiểu đơn giản thì tu thân là sửa mình, tự phê bình để tiến bộ. Nói khái quát hơn tu thân là quá trình rèn luyện đạo đức, trí tuệ và thể chất để trở thành một người tốt hơn. Nó bao gồm việc tự nhìn nhận lại bản thân, nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu, thiếu sót, từ đó nỗ lực sửa chữa, hoàn thiện, vươn lên. Tu thân là một dạng năng lực - năng lực tự hoàn thiện bản thân. Đó là một hành trình dài, đầy chông gai, thử thách.
Tu thân đóng vai trò quyết định giúp mỗi người tiến bộ, thành công, hạnh phúc, đồng thời phòng chống tai họa, nguy hiểm. Khổng Tử, người sáng lập Nho giáo từng nói “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, hàm ý rằng muốn quản được nhà, làm việc lớn của nước, của thiên hạ, phải bắt đầu từ việc tu thân.
Với việc tu thân của đội ngũ cán bộ, Bác Hồ từng chỉ dạy: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”.
Tu thân giúp mỗi người rèn luyện, đắp bồi những phẩm chất tốt đẹp như lòng nhân ái, trung thực, tinh thần trách nhiệm… để trở thành một người có ích cho xã hội. Tu thân còn thúc đẩy con người ham học hỏi, trau dồi kiến thức để giải quyết vấn đề hiệu quả, đưa ra quyết định sáng suốt, tạo dựng tiến bộ trong nghề nghiệp. Sửa mình sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống bởi khi chúng ta hoàn thiện bản thân, cuộc sống cũng trở nên tốt đẹp hơn.
Lịch sử đã ghi nhận biết bao tấm gương sáng về tu thân, rèn luyện bản thân để đạt được những thành tựu to lớn. Ở Việt Nam, đó là tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Suốt cuộc đời, Người luôn nêu cao tinh thần tu thân với những biểu hiện rõ nét như tự học, tự rèn luyện, không ngừng hoàn thiện bản thân về mọi mặt. Đó là tấm gương của nhà bác học Lê Quý Đôn với tinh thần ham học hỏi, cầu tiến, được coi là một “bộ óc bách khoa” của Việt Nam, để lại cho đời nhiều kiến thức...
Trên thế giới, các tấm gương vĩ đại về tu thân để thành công lớn cũng không thể kể hết. Đó là V.I. Lê-nin, lãnh tụ phong trào cách mạng vô sản nước Nga, nổi tiếng với tinh thần “học, học nữa, học mãi”. Đó là Khổng Tử, một nhà tư tưởng lỗi lạc, người đã đề xướng đạo Nho với những lời dạy uyên thâm về đạo đức, giáo dục có giá trị xuyên suốt quá khứ và hiện tại vẫn được lựa chọn áp dụng. Đó là Đức Phật, người sáng lập Phật giáo để hướng con người đến sự giác ngộ, giải thoát khỏi khổ đau…
Ngược lại với những tấm gương cao đẹp là những tấm gương xấu xí, hủ bại, cũng bắt nguồn từ việc kém tu thân, hoặc không tu thân suốt đời. Thời gian qua, nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao trong hệ thống chính trị cả nước bị xử lý kỷ luật, rơi vào vòng lao lý do tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật… Nhiều người trong số họ trước đây từng thành công, nổi tiếng, được giữ chức vụ cao, song cũng vì không giữ mình, sửa mình, lơ là việc tu thân nên phải nhận kết cục đắng cay.
Do đó, tu thân là việc cả đời, đòi hỏi sự bền gan, vững chí, nhận biết rõ bản thân và vượt qua chính những hạn chế, nhược điểm của mỗi người. Có người từng nói chiến thắng bản thân mình mới là chiến thắng hiển hách nhất vì ý nghĩa như vậy. Nếu muốn sửa mình hiệu quả, cần phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Việc đầu tiên là phải nhận biết rõ điểm mạnh, điểm yếu, điểm cần cải thiện của bản thân mình để đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Từ mục tiêu đó, xây dựng kế hoạch, thực hiện từng việc cụ thể với quyết tâm cao, kiên trì thì mới mong thành công.