Mấy tâm trạng ngày 30 Tết
30 Tết - khoảng thời gian chuẩn bị bước sang năm mới đang dồn nén và cô đặc cảm xúc, tâm trạng của một năm sắp qua với mỗi người.
Nhìn ra ngoài đường, từng mặt người ngày áp Tết vẫn thấy không ít lo toan, nhiều sự hối hả, thảnh thơi và ngồn ngộn niềm vui. Từng dòng người, dòng xe nối đuôi nhau trên đường bán hoa, cây cảnh ở TP Hải Dương, Chí Linh, thị xã Kinh Môn hay các huyện lỵ chọn hoa Tết, vội vã, nhẩn nha lựa từng cành, chọn từng bông hoa đủ cả. Các ngả đường, từng dòng người về quê ăn Tết, đi thăm người thân, đi chúc Tết, sắm Tết, cố gắng bán nốt số hàng đã nhập, đã làm, đã trồng, thu hoạch sau cả một năm vất vả… Những người kinh doanh thật không ít lo toan trong ngày này, nhất là những người bán mặt hàng sau Tết không còn ai mua. Chỉ còn một ngày nữa là sang năm mới, đã 30 Tết rồi, thời gian tiến đến giao thừa đang tính bằng giờ.
Anh tôi hối hả từ quê lên chúc Tết chú thím. Vẫn biết chỗ thiếu đang mang đến chỗ thừa, nhưng không đi thì không đành. Nên vẫn tay xách nách mang, đi. Không nhận quà sẽ làm cháu mất vui, tủi thân nên vẫn nhận cho cháu vui lòng, rồi lại tìm một dịp khác quan tâm lại. Năm nào cũng vậy và đành vậy! Người mình có cái hay và cái dỡ cũng ở chỗ này. Nói thật, từ chối dứt khoát là mất lòng nhau. Tình cảm nó cứ phải khách sáo một tí…
Bề bộn công việc, hôm qua còn lo việc nhà, việc cơ quan, số ngày nghỉ trước Tết ít quá chưa về quê được. Thế là lại phóng vèo về quê. Trước Tết mà không ra đồng thắp cho ông bà nén hương không thể yên tâm. Vậy là 30 Tết lại vội vã, hớt hải về quê. Còn họ hàng nội ngoại…
Con trẻ thì hồn nhiên. “Bố ơi con muốn đốt pháo hoa, 300 K một dàn, bố mua đi”, con gái tôi thỏ thẻ. “Nhưng năm nay nhà mình ông không khoẻ, bố chỉ mong ông khoẻ là Tết vui rồi”, tôi ôm con gái vào lòng giọng chầm chậm. “Thế Tết này nhà mình có đi đâu không bố?”. “Mình đi chơi lỡ ông yếu thì sao con!”. “Nhưng con đi một mình được không bố? Con chỉ đi 1 ngày thôi!”…
Trong bệnh viện vẫn còn nhiều người chưa được về nhà. Tết này ăn Tết ở viện. Điều hiển nhiên ấy không khác được thì phải chấp nhận. Những gương mặt bơ phờ vì thiếu ngủ. Tết vẫn sẽ qua đi, chỉ khác là Tết không sum vầy ở nhà, thì sum vầy ở viện thôi. Người ốm, người già cần được quan tâm. Ước vọng của người bệnh giờ là muốn khoẻ lại để chiều 30 Tết được xuất viện. Nhưng có những người ra viện rồi lại vào. Với những gia đình có người già ốm yếu thì chuyện đi viện vẫn thường trực, giao thừa cũng phải lên đường nếu bệnh trở nặng…
Lại có người ngày 30 Tết không có gì vướng mà uể oải quá, tinh thần xuống thấp, than vãn trên mạng xã hội, nhẹ thì “đang yên đang lành lại Tết”, trung bình thì “nằm im chờ Tết”, “bò qua Tết”, nặng hơn là “mong sao đừng Tết”, “Tôi khổ vì Tết lắm rồi”…
Nhưng Tết không thiếu niềm vui, niềm vui vẫn là chủ yếu, vật chất đủ đầy hơn xưa, sở thích cá nhân được quan tâm hơn, tính khoa học trong văn hoá Tết dần quan trọng hơn truyền thống… Nghĩa là Tết đang được cá thể hoá, được sắp đặt tỉ mỷ, những người thiếu ăn dịp Tết gần như không còn... Mỗi người sẽ thưởng thức Tết theo các cách khác nhau, thậm chí than vãn cũng là một cách thưởng thức Tết.
Tết vui hồi hộp với những người đang yêu, ấm áp với người mẹ già đón con về, chộn rộn với trẻ nhỏ... Tết còn mang bao hy vọng khi trời đất chuyển mùa, thiên nhiên bừng thức cho cây cối đơm chồi...
Sau hôm nay, phải gần 1 thập kỷ nữa mới có ngày 30 Tết đấy!