Góc nhìn

Đốt vàng mã cho đúng

THANH HÀ 08/02/2024 07:30

Với quan niệm "trần sao âm vậy", vào mỗi dịp lễ, Tết, nhiều người lại đốt vàng mã quá tay, không đúng quy định.

vang-ma.jpg
Đốt vàng mã là thói quen của nhiều người Việt Nam

Những năm gần đây, nhiều gia đình có điều kiện đã sắm sửa cho người âm không thiếu bất kỳ thứ gì từ tiền bạc, quần áo đến nhà lầu, xe hơi, điện thoại… bằng giấy. Số lượng cũng tùy vào điều kiện của từng gia đình, có nhà đốt ít, có nhà đốt nhiều. Nhiều gia đình coi đây là hành động tỏ lòng thành kính với người đã khuất, các vị thần tài, thổ công, thổ địa đã phù hộ, coi giữ nhà cho gia chủ...

Mới đây, dư luận lại xôn xao câu chuyện tại đền Tranh, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) đốt nhiều vàng mã trong thời gian dài.

Có thể nói, tình trạng đốt vàng mã diễn ra khá phổ biến, trong hầu hết các gia đình và đã ăn sâu vào quan niệm của người Việt Nam. Theo thông tin từ báo điện tử VOV, mỗi năm, ước tính người Việt đốt khoảng 60.000 tấn vàng mã, tương tương 5.800 tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn.

Theo Nghị quyết số 64/NQ-HĐND ngày 6/11/2023 của HĐND tỉnh Hải Dương về hỗ trợ kinh phí xây dựng phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, đối với cấp tiểu học, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% đơn giá bình quân 1 phòng học là 650 triệu đồng thì số tiền trên có thể xây dựng được 8.923 phòng học. Nếu tính xây nhà ở xã hội theo như mức dự toán của khu chung cư Tạ Quang Bửu, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) thì sẽ xây dựng được gần 20 khu chung cư với 390 phòng, diện tích từ 45-60 m2/phòng.

vang-ma-1.jpg
Đốt vàng mã gây tốn kém, ảnh hưởng đến môi trường và có nguy cơ cháy nổ

Không chỉ lãng phí tiền bạc, đốt vàng mã còn làm ô nhiễm môi trường khi khói bụi bay mù mịt. Thậm chí, từ việc sản xuất, buôn bán, sử sụng vàng mã đã xảy ra những vụ hỏa hoạn gây cháy nhà, chết người, thiệt hại khó đong đếm được.

Pháp luật đã có những quy định về việc đốt vàng mã. Theo điểm a, khoản 1, điều 14, Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo thì những người đốt vàng mã hoặc thắp hương sai quy định tại lễ hội sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng. Khoản 5, điều 2, phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 2/2016/TT-BXD quy định nghiêm cấm hành vi đốt vàng mã, đốt lửa trong nhà chung cư, trừ địa điểm được đốt vàng mã theo quy định của ban quản lý tòa nhà. Người đốt vàng mã gây hỏa hoạn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 180, điều 313, Bộ luật Hình sự.

Ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước, không để xảy ra việc đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí hoặc không đúng nơi quy định tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo…

Để vừa thể hiện lòng thành kính, vừa bảo vệ được môi trường và không vi phạm các quy định, trước hết, người dân cần thay đổi nhận thức, giảm số lượng trong mỗi lần đốt vàng mã và chỉ nên mua những thứ theo truyền thống như tiền vàng... không cần phải mua tất cả những vật dụng giống như người trần. Khi đốt cần chú trọng các biện pháp an toàn phòng chống cháy nổ, môi trường. Những cơ sở thờ tự, đình, chùa, di tích… cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức đúng và hướng dẫn thực hiện nghiêm các quy định về đốt vàng mã, tiến tới khuyến khích người dân không dùng vàng mã mà chỉ cần thắp hương thể hiện lòng thành kính.

THANH HÀ