Nháy máy trêu đùa công an 113 bị xử phạt thế nào?
Nháy máy trêu đùa công an 113 bị xử phạt bao nhiêu tiền, có bị xử lý hình sự không và điều luật nào quy định xử phạt này?
Những số điện thoại khẩn cấp
Ở Việt Nam, hiện có các số điện thoại khẩn cấp giúp người dân khi cần có thể liên hệ ngay với cơ quan chức năng để trình báo, cụ thể:
111 là đường dây nóng bảo vệ trẻ em, hoạt động 24/24h hoàn toàn miễn phí.
112 là đầu số yêu cầu trợ giúp và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc.
113 là đầu số gọi công an hoặc cảnh sát khi có việc liên quan đến an ninh trật tự.
114 là đầu số gọi cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
115 là đầu số gọi cấp cứu về y tế.
Như vậy, số 113 là đường dây nóng để người dân liên hệ cơ quan công an trình báo trong các trường hợp:
-Tội phạm đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra.
-Phát hiện một người bị nghi là tội phạm hoặc có dấu hiệu phạm tội.
-Có người bị thương hoặc đang gặp nguy hiểm.
-Khi quan sát thấy ai đó có những hành vi đáng ngờ hoặc những kiện, gói, túi xách vô chủ tại những nơi công cộng.
-Các hành vi gây mất trật tự công cộng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân hoặc cộng đồng dân cư…
Nháy máy trêu đùa công an 113 bị xử phạt thế nào?
Theo điểm b khoản 2 điều 2 và điểm a khoản 3 điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, hành vi báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền 500.000-1.000.000 đồng và báo cháy giả bị phạt 2.000.000-5.000.000 đồng.
Ngoài ra, điểm g khoản 3 điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 cho phép phạt 10.000.000-20.000.000 đồng với một trong các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Như vậy, hành vi báo tin giả đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể bị phạt tiền 500.000-1.000.000 đồng, hành vi “báo cháy giả” sẽ bị xử phạt ở mức cao hơn 2-5 triệu đồng. Hành vi gọi điện đến các số 113, 114, 115 để quấy nhiễu có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Trường hợp không cố ý báo tin giả, người thực hiện hành vi phải chứng minh được điều này với cơ quan công an để không bị xử phạt.
Người có hành vi thường xuyên gọi điện chọc phá các số điện thoại khẩn cấp 113 cần phải xử lý nghiêm vì cản trở hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan chức năng. Việc xử lý hiện nay vẫn chỉ là xử phạt vi phạm hành chính mà chưa có quy định để xử lý bằng biện pháp hình sự.
Cụ thể, Bộ luật Hình sự 2015 chưa có quy định tội danh cụ thể đối với hành vi này. Tuy nhiên, đối với hành vi liên tục gọi điện quấy nhiễu đến các đường dây nóng, trong đó có số 113, làm cản trở hoạt động của người thi hành công vụ thì có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330 Bộ luật Hình sự 2015:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.