Say rượu xong hôm sau không nhớ gì, liệu thần kinh có vấn đề?
Nhiều người chia sẻ rằng sau khi uống rượu say họ không nhớ mình đã nói gì, gặp gỡ ai, thậm chí về đến nhà bằng cách nào. Việc không nhớ gì sau khi say rượu liệu có dự báo thần kinh bản thân có vấn đề?
Tại sao sau khi say rượu không nhớ gì?
Anh B.V.T. (35 tuổi) chia sẻ rằng trước đây sau cuộc nhậu với đồng nghiệp, bạn bè vẫn nhớ hết mọi chuyện. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, sau khi say mềm, anh không còn nhớ "khúc cuối" của cuộc vui.
"Ban đầu mọi chuyện đều trong tầm kiểm soát, tôi vẫn nhớ mọi chuyện, nhưng khi bắt đầu ngà say cho đến kết thúc thì không còn nhớ gì nữa. Đôi khi sáng hôm sau tôi vẫn tự hỏi: Không hiểu mình đã về nhà bằng cách nào?. Từ đó tôi phải giới hạn bản thân lại, không để quá chén như vậy nữa", anh T. kể lại tình trạng của mình.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Hà Ngọc Cường (khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) giải thích tình trạng mất "ký ức" khi say rượu không phải là hiện tượng hiếm gặp.
"Rất nhiều người chia sẻ đã gặp tình trạng này sau khi uống rượu say. Nguyên nhân là do khi sử dụng quá nhiều bia rượu khiến nồng độ cồn trong máu tăng cao gây ảnh hưởng đến chức năng vùng não có nhiệm vụ lưu giữ thông tin, hình thành trí nhớ.
Ban đầu, khi nồng độ cồn chưa cao có thể chưa gây ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, khi uống quá nhiều bia, rượu sẽ khiến khu hồi hải mã - nằm trong thùy thái dương bị ảnh hưởng do nồng độ cồn.
Nồng độ cồn trong cơ thể quá cao làm nhiễu, thậm chí ngưng hoạt động cơ quan thụ cảm vốn có nhiệm vụ truyền dẫn mang thông tin giữa những nơ ron thần kinh với nhau. Điều này dẫn tới nhiều người không nhớ gì sau khi đã say rượu", bác sĩ Cường nói rõ thêm.
Nhiều biến chứng nguy hiểm do bia rượu
Bác sĩ Nguyễn Văn Thủy - giám đốc Trung tâm nghiên cứu điều trị cai nghiện, Viện Châm cứu trung ương - cho biết thêm việc không nhớ gì sau khi say rượu có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
"Theo từng thể trạng, cơ địa, việc ngộ độc rượu hay say rượu sẽ có nhiều mức độ khác nhau. Tình trạng không nhớ gì sau khi say rượu ban đầu có thể chỉ là tạm thời, tuy nhiên việc này lặp đi, lặp lại lâu dần sẽ gây biến chứng lên hệ thần kinh.
Đặc biệt đối với những người sử dụng rượu quá nhiều, trong thời gian dài sẽ hủy hoại một số cơ quan trong cơ thể, làm suy giảm chức năng gan, thận…
Đồng thời ảnh hưởng đến vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não cũng như khả năng điều khiển hành vi.
Cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là khi methanol và andehyt có trong rượu sẽ tích lại trong máu. Nếu cơ thể không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa, có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong", bác sĩ Thủy cho hay.
Bác sĩ Thủy cũng khuyến cáo đối với những người sử dụng nhiều rượu, bia, khi thấy họ có biểu hiện như nói không rõ, ú ớ, gọi không phản ứng, thở yếu, tím tái, bất tỉnh, chân tay lạnh…cần đưa ngay đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời.
Đồng thời, để phòng tránh những ảnh hưởng tiêu cực của rượu, bia đến sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo mỗi người tự nâng cao nhận thức, hạn chế sử dụng rượu, bia để bảo vệ sức khỏe.
Chỉ nên uống hai đơn vị cồn/ngày
Theo bác sĩ Thủy, trong dịp lễ Tết, gặp mặt, mỗi người chỉ nên uống dưới 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, dưới 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần.
Trong đó, một đơn vị cồn tương đương 10 gam cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).
Để giảm say rượu, trước khi uống rượu nên ăn uống đầy đủ, có thể ăn thêm tinh bột, các thức ăn giàu lipid… việc này có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu rượu vào cơ thể.
Sau khi tỉnh rượu cũng nên ăn uống các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, có đường, đầy đủ dinh dưỡng để hồi phục sức khỏe.