6 lưu ý ở vòng phỏng vấn đại học Mỹ
Luyện phỏng vấn thử, tìm hiểu về trường, tự tin hay tự đặt câu hỏi với ban tuyển sinh, là những điều ứng viên nên làm khi vào vòng phỏng vấn với các đại học Mỹ.
Phỏng vấn là một phần trong quy trình tuyển sinh ở nhiều đại học Mỹ, bên cạnh hồ sơ đăng ký với sơ yếu lý lịch, thư giới thiệu và bài luận. Theo College Board, một số đại học chỉ phỏng vấn lượng ứng viên hạn chế. Đây là cơ hội để học sinh trò chuyện và trở nên nổi bật với người đại diện trường.
Dưới đây là 6 lời khuyên với ứng viên khi vào vòng phỏng vấn của các trường, theo US News, tổ chức xếp hạng đại học Mỹ:
Phỏng vấn thử
Học sinh có thể làm quen với quá trình phỏng vấn bằng cách trả lời các câu hỏi phổ biến, tương tự phỏng vấn thực tế.
"Nếu bạn có thể ngồi lại với cha mẹ, giáo viên, bạn bè hoặc một cố vấn đáng tin cậy và để họ phỏng vấn thử", Rachel Rubin, người sáng lập công ty tư vấn Spark Recruitments, nói. Theo Rubin, việc này giúp ứng viên tránh cảm giác bồn chồn và chuẩn bị tốt hơn cho cuộc phỏng vấn thật.
Các cuộc phỏng vấn thường kéo dài từ 30 phút đến một giờ, trực tuyến hoặc trực tiếp.
16 câu hỏi phỏng vấn phổ biến mà các ứng viên có thể chuẩn bị trước là:
- Hãy giới thiệu bản thân của mình
- Tại sao bạn quan tâm đến trường của chúng tôi?
- Bạn sẽ đóng góp gì cho cộng đồng của chúng tôi?
- Ai đã ảnh hưởng đến bạn nhiều nhất?
- Hãy kể cho tôi nghe về một thử thách mà bạn đã vượt qua.
- Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
- Lĩnh vực học thuật nào bạn quan tâm nhất (hoặc ít nhất) và tại sao?
- Bạn nghĩ mình sẽ làm gì sau 10 năm nữa?
- Bạn làm gì để giải trí trong thời gian rảnh?
- Mục tiêu 5 năm sau khi tốt nghiệp của bạn là gì?
- Bạn đã tham gia vào những hoạt động cộng đồng, xã hội và trường học nào?
- Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?
- Bạn có hệ thống hỗ trợ không?
- Khi nhận được lời nhận xét, bạn xử lý như thế nào?
- Bạn đã học những lớp nào?
- Lớp học yêu thích của bạn là gì và tại sao?
Hiểu về trường
Các đại học tìm kiếm ứng viên thực sự quan tâm đến trường. Do đó, bà Christine Chu, cố vấn tuyển sinh đại học, khuyên học sinh nghiên cứu kỹ lưỡng về trường đại học trước cuộc phỏng vấn.
Sau khi tìm hiểu, ứng viên có thể xác định bốn hoặc năm điểm khác biệt về trường đại học, và sự phù hợp với bản thân.
Chuẩn bị câu hỏi riêng
Bà Rubin nói người phỏng vấn sẽ có rất nhiều câu hỏi dành cho học sinh. Tuy nhiên, ứng viên cũng nên đưa ra một số câu hỏi của riêng mình. Bằng cách đặt câu hỏi, họ có thể thể hiện rõ hơn sự quan tâm đối với trường học. Rubin cho rằng những câu hỏi mở, được chuẩn bị chu đáo sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.
"Hãy chuẩn bị sẵn một số câu hỏi về trường, kể cả là những câu hỏi mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời thông qua trang web của trường hoặc Google", Rubin nói.
Chân thật, tự tin
Theo các chuyên gia, hội đồng tuyển sinh đại học tìm kiếm những sinh viên toàn diện, có tính cách, niềm đam mê khác nhau. Các cuộc phỏng vấn là cơ hội để ứng viên thể hiện sự độc đáo của mình.
Bà Chu cho rằng nên tận dụng không khí chia sẻ của buổi phỏng vấn để nói nhiều hơn về bản thân, sở thích, mối quan tâm hoặc trải nghiệm mà chưa được nêu trong hồ sơ.
"Các cán bộ tuyển sinh thực sự đang cố gắng tìm ra bạn là ai ngoài trang giấy. Bạn nên tự tin với chính mình, thay vì trả lời theo cách bạn nghĩ rằng họ muốn nghe", bà nói.
Ăn mặc đẹp
Rubin nhìn nhận ngoài chuẩn bị nội dung trả lời, việc ăn mặc quần áo tươm tất, sạch đẹp có thể mang lại cho ứng viên lợi thế về mặt tâm lý.
"Ngay kể cả với những cuộc phỏng vấn qua điện thoại hay video hoặc trong trường hợp học sinh không xuất hiện, tôi vẫn khuyên họ nên mặc quần áo đẹp", bà nói.
Viết lời cảm ơn sau phỏng vấn
Không chỉ trong cuộc phỏng vấn, ứng viên còn có thể tạo sự khác biệt bằng cách gửi tin nhắn hay thư cảm ơn sau đó. Bằng cách này, họ thể hiện rõ hơn sự quan tâm của mình đối với một trường học và cũng cho văn phòng tuyển sinh thấy rằng họ là người lịch sự.
"Cách làm này hiện phần nào không còn được ưa chuộng nữa, nhưng tôi nghĩ nó thường được những người nhận thư đánh giá cao", Rubin nói.