Chi 50 triệu du lịch Trung Quốc, khách Việt lạnh tê tái, gặp bão tuyết nhớ đời
Travel blogger Nguyễn Hồng Thu Trang đã có hành trình 8 ngày 7 đêm tới Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) để “thách thức bản thân trước cái lạnh -30 độ C”.
Cáp Nhĩ Tân là thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc. Với nhiệt độ trung bình năm là 4,25 độ C và nhiệt độ cực hạn thấp đến -42,6 độ C, Cáp Nhĩ Tân có biệt danh là "Thành phố Băng" với ngành du lịch mùa đông phát triển, đáng chú ý là lễ hội băng đăng thường niên - một trong những lễ hội băng tuyết lớn và lâu đời nhất thế giới.
Mùa đông năm nay, lễ hội băng đăng mở cửa từ 17/12/2023, kéo dài đến đầu tháng 1/2024, đã thu hút hơn ba triệu khách du lịch đến thành phố trong dịp nghỉ lễ năm mới. Đây cũng là điểm đến thu hút sự chú ý của du khách Việt Nam.
Travel blogger Nguyễn Hồng Thu Trang (Trang Nem) vừa có hành trình 8 ngày 7 đêm tới Cáp Nhĩ Tân để “thách thức bản thân trước cái lạnh -30 độ C”.
"Thời tiết ở Cáp Nhĩ Tân vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ luôn ở mức -27 độ C đến -25 độ C. Mình chỉ có thể ở ngoài trời 2-3 tiếng là cơ thể đông cứng”, chị Trang cho hay.
Chị Trang du lịch theo hình thức bán tự túc. Nhóm du khách Việt do một hướng dẫn viên có nhiều năm sống và làm việc tại Trung Quốc dẫn đoàn.
“Vì Trung Quốc có nhiều điểm đặc thù như rất rộng lớn, đi đâu, làm gì cũng siêu siêu đông, phải xếp hàng dài và người dân không sử dụng tiếng Anh, cảnh sát kiểm tra nghiêm ngặt, việc đặt phòng, liên hệ xe cộ, điểm ăn uống, mua vé vui chơi đều phải mua bằng hộ chiếu và đặt trước rất lâu. Do đó dù có nhiều kinh nghiệm du lịch nước ngoài, mình vẫn chọn đi theo người có kinh nghiệm để bớt thời gian "đi lạc"”, chị Trang cho hay.
Đúng như mong chờ, chị Trang vỡ òa trước lễ hội băng đăng vô cùng ấn tượng tại Cáp Nhĩ Tân. Lễ hội trưng bày các tác phẩm điêu khắc được tạc từ những khối băng thu hoạch từ dòng sông Tùng Hoa. Công nghệ trang trí tác phẩm kết hợp từ các phương thức hiện đại (dùng đèn laze) đến truyền thống (đèn lồng băng). Sự kiện nổi tiếng này năm nay quy tụ hơn 1.000 tác phẩm điêu khắc băng tuyết tạo thành một công viên chủ đề để du khách khắp thế giới đến chiêm ngưỡng. Đây là lần thứ 25 lễ hội được tổ chức, ước tính khoảng 250.000 mét khối băng tuyết đã được sử dụng để sáng tác các tác phẩm.
Bên cạnh chiêm ngưỡng các tác phẩm, du khách còn nhiều trò thú vị khác như trượt băng, trượt tuyết, ngồi xe kéo trên sông băng…
“Mặc dù bản thân mình là người không thích các công trình đẹp nhân tạo cho lắm, nhưng khi đứng tại đây, giữa cái lạnh gần -30 độ C, chân tay tê buốt, mình bị ấn tượng với sự xuất sắc, kiên trì của các nghệ nhân, công nhân”, chị Trang chia sẻ.
Trong chuyến đi, chị Trang cũng ghé thăm làng tuyết Tuyết Hương, ngôi làng với những mái nhà phủ kín tuyết trắng như cổ tích. Ngôi làng nằm cách trung tâm thành phố Cáp Nhĩ Tân khoảng gần 300km về phía Đông Nam Trung Quốc, thuộc thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang.
Khi đêm xuống, nơi đây càng trở nên huyền ảo khi được thắp sáng bởi những ngọn đèn lồng xanh đỏ mang không khí đặc trưng lễ hội cuối năm và nét văn hóa của người dân sống ở khu vực Đông Bắc.
Trong chuyến đi chị Trang và nhóm du khách Việt gặp một sự cố tại Cốc Tuyết. Làng Cốc Tuyết khá nhỏ, chỉ lang thang khoảng 10 phút là đi hết tuy nhiên, hành trình trekking xuyên rừng tại đây lại thu hút nhiều du khách.
Hôm đó, tuyết rơi rất dày. Khi đoàn chị Trang lên tới đỉnh núi thì tuyết càng lúc rơi dày hơn và gió nổi lên như một trận bão tuyết. Xe ô tô không thể lên hay từ đỉnh núi di chuyển xuống. Toàn bộ du khách kẹt lại trên xe núi khoảng 3 giờ. “Khi cơn bão không có dấu hiệu dừng, ban quản lý buộc phải cho những chiếc xe xích to chỉ dùng để leo giữa chặng lên đỉnh tới để chở nhóm mình xuống núi. Nếu để du khách ở ngoài trời quá lâu, nhất là sau 16h chiều, trời tối mù mịt thì càng nguy hiểm hơn”, chị Trang kể.
Nghĩ lại cảm giác lúc ngồi trên chiếc xe xuống núi, chị vẫn nơm nớp lo sợ. Tuyết rơi quá dày, lấp trắng xóa đường, lái xe vừa đi vừa dò đường. “Lúc này bọn mình không còn nhìn ra nổi trước mặt hay 2 bên sườn là dốc hay vực. Có lúc xe bị hụt vào rãnh hoặc ổ trâu, nghiêng ngả, ai nấy run cầm cập. Đây đúng là trải nghiệm nhớ đời của mình”, chị Trang kể.
Chị Trang cho biết, chi phí cho chuyến du lịch này vào khoảng 50 triệu đồng, trong đó 35 triệu đồng là tiền tour, đã bao gồm vé vào các khu vui chơi, dịch vụ di chuyển cơ bản. Số tiền còn lại là chi phí chị Trang đầu tư cho trang phục giữ ấm và mua quà lưu niệm.
"Đây là một mức giá cũng khá cao so với du lịch Trung Quốc, chắc chỉ sau những điểm khó đi như Tân Cương và Tây Tạng, Nội Mông. Lý do là bởi di chuyển tới Cáp Nhĩ Tân cũng khá xa, bắt buộc phải bay 2 chặng. Chi phí du lịch tại thành phố này khá cao”, chị Trang cho biết.
Chị Trang chuẩn bị rất kỹ trang phục như áo phao cản gió chống nước, găng tay, khăn quàng cổ, găng tay, mũ len, giày đi tuyết chống trơn trượt có lót lông, tất len cổ dài, bịt tai, quần áo giữa nhiệt. Nữ du khách dán miếng sưởi giữ nhiệt lên vai, gáy, lưng, bụng, lòng bàn chân… “Và thậm chí với độ mê sống ảo như mình thì còn phải dán miếng giữ nhiệt cho cả chiếc điện thoại dùng để chụp hình. Vì trong thời tiết này máy móc rất dễ hao pin, sập nguồn rất nhanh”, chị Trang cho hay.