Người Việt ảnh hưởng gì khi Canada siết giấy phép du học?
Chính sách mới của Canada nhằm giảm 35% số sinh viên quốc tế hay hạn chế giấy phép làm việc sau tốt nghiệp tác động không nhiều đến du học sinh Việt, theo chuyên gia di trú.
Tại buổi thông tin về giấy phép du học và làm việc tại Canada do IDP Việt Nam tổ chức, bà Vũ Thị Hải Anh, chuyên gia tư vấn di trú, quản lý khu vực Đông Nam Á của Trường Cao đẳng Algonquin, thành phố Ottawa, đánh giá những thay đổi trong chính sách với sinh viên quốc tế của Bộ Di trú Canada (IRCC) gây "rúng động thị trường du học".
Điều khiến phụ huynh và học sinh lo lắng nhất là IRCC tuyên bố giảm mạnh số lượng sinh viên quốc tế. Cơ quan này đặt chỉ tiêu cấp mới 360.000 giấy phép du học, giảm 35% so với năm 2023.
Tuy nhiên, theo bà Hải Anh, số này không bao gồm sinh viên đã có giấy phép, học sinh phổ thông, thạc sĩ và tiến sĩ. Chỉ tiêu hồ sơ cũng được phân bổ cho từng tỉnh, bang tùy vào dân số và số lượng du học sinh tại đó.
"Định mức trên không ảnh hưởng lớn đến thị trường Việt Nam. Vì thế, học sinh hãy tự tin nộp hồ sơ", cựu cán bộ Đại sứ quán Canada tại Việt Nam nói.
Ngoài ra, các sinh viên quốc tế học chương trình công - tư (mô hình liên kết giữa trường công và tư) sẽ không đủ điều kiện để xin giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (PGWP). Đây là nhóm sinh viên bị ảnh hưởng mạnh nhất, song, số người Việt theo chương trình này "siêu ít", theo bà Hải Anh.
Bà ví dụ, trường Algonquin, nơi bà công tác, là một trong những trường cao đẳng lớn nhất tại thủ đô Ottawa, tỉnh Ontario. Hiện trường có khoảng 200 du học sinh Việt theo học các chương trình 2-4 năm, với các ngành phổ biến như công nghệ thông tin/công nghệ cao, truyền thông, y tế. Trường cũng có chương trình liên kết công - tư nhưng đến giờ mới có hai học sinh Việt Nam theo học.
Do đó, các du học sinh ở trường công, trong danh sách của IRCC vẫn đủ điều kiện để xin PGWP nếu chương trình học kéo dài 8 tháng trở lên.
Canada đưa ra một loạt thay đổi trong chính sách di trú, trong bối cảnh số sinh viên quốc tế năm 2023 lên tới hơn 1 triệu du học sinh, là mức kỷ lục. Trong đó, trên 500.000 người đến mới, tăng 27% so với năm trước.
Điều này khiến các dịch vụ xã hội như nhà ở, chăm sóc y tế... của nước này quá tải, trong khi quyền lợi của nhiều du học sinh bị ảnh hưởng.
Bà Hải Anh nhìn nhận các biện pháp của Canada đưa ra không nhằm gây khó dễ mà để bảo vệ lợi ích của sinh viên quốc tế. Bởi việc giảm số lượng du học sinh đến Canada ảnh hưởng lớn đến tài chính của các trường, tình hình lao động ở địa phương.
Theo bà, thông báo mới của IRCC có nhiều điểm chưa cụ thể và phải chờ các công bố tiếp theo, trong vài tuần tới. Chính sách mới yêu cầu tất cả hồ sơ xin giấy phép du học từ 22/1 trở đi phải có thư chứng thực của các tỉnh, bang, song những nơi này chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Ngoài ra, IRCC cho biết sẽ không cấp giấy phép lao động cho vợ/chồng của sinh viên quốc tế bậc đại học và cao đẳng như trước, chưa rõ khi nào việc này bắt đầu.
"Những ai có vợ hoặc chồng đang du học Canada, hãy tranh thủ xin OWP luôn vì khi chính sách có hiệu lực sẽ khó khăn hơn", bà Hải Anh lưu ý.
Để đối phó với những thay đổi của IRCC, chuyên gia về di trú cho biết du học sinh nên xem xét những chương trình 3-4 năm, thay vì các khóa ngắn hơn, vì lợi ích khi xin việc sau tốt nghiệp hoặc định cư.
Nếu tài chính hạn hẹp, học sinh và gia đình có thể cân nhắc chọn trường cao đẳng. Học phí đại học tại Canada khoảng 30.000-70.000 CAD (hơn 22.000-50.000 USD), đắt gấp đôi học phí trường cao đẳng. Trong khi đó, nhiều trường cao đẳng tại Canada, vẫn đang đào tạo các chương trình cử nhân 4 năm (bachelor degree), giống như bằng đại học ở Việt Nam.
Canada là một trong hai điểm đến thu hút sinh viên quốc tế nhất thế giới, tương đương với Mỹ. Theo một số liệu năm 2022, khoảng 40%, sinh viên nước ngoài ở Canada đến từ Ấn Độ, sinh viên Trung Quốc đứng thứ hai với khoảng 12%. Số sinh viên Việt Nam là hơn 16.000.
Chi phí để học bậc cử nhân ở Canada trung bình khoảng 36.000 CAD (656 triệu đồng) một năm, gồm học phí, sinh hoạt phí.