Nhiễm liên cầu lợn dù không ăn tiết canh
Trong quá trình mổ lợn, người đàn ông bị đứt tay, sau đó dùng tay bốc thịt ăn, vài ngày sau phát hiện nhiễm liên cầu lợn.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, người đàn ông 50 tuổi vào viện trong tình trạng sốt cao từng cơn, kèm rét run, đau đầu, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa. Kết quả xác định bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.
Trước đó người này không ăn tiết canh, chỉ tham gia mổ lợn. Trong quá trình chế biến, người này bị đứt tay, sau đó dùng tay bốc một miếng thịt ăn. “Đây là nguyên nhân gây nhiễm bệnh”, bác sĩ Thiệu nói.
Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh, chống viêm, truyền dịch và bổ sung điện giải. Sau ba ngày, người đàn ông hết sốt và khỏe lại.
Bác sĩ đánh giá, người bệnh khá may mắn vì thông thường những trường hợp nhiễm liên cầu lợn khi được phát hiện đã diễn biến nguy kịch, sau điều trị ít nhiều để lại di chứng. Bệnh liên cầu lợn có thể lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín.
Dịp lễ Tết, số ca mắc liên cầu lợn tăng liên quan phong tục mổ lợn và thói quen ăn tiết canh. Nhiều người cho rằng lợn rừng, lợn sạch ở quê hay tiết canh nhà làm sẽ không đáng ngại nên vẫn thưởng thức.
"Lợn nuôi sạch không đồng nghĩa với vi khuẩn gây bệnh không tồn tại bên trong. Liên cầu khuẩn lợn đôi khi không gây bệnh trên động vật, nhưng có thể gây bệnh với người có sức đề kháng kém", bác sĩ Thiệu nói.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng. Đồng thời, người dân tuyệt đối không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn.
Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn.