Chiêm ngưỡng 11 bảo vật quốc gia của Hải Dương
Hải Dương hiện có 11 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Hải Dương, mà còn cho thấy xứ Đông là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa.
Bộ tượng Tam Thế Phật
Bộ tượng thời Lê trung hưng (1533-1789), đang thờ tại chùa Côn Sơn (Chí Linh). Tên đầy đủ của bộ tượng là Tam thế thường trụ diệu Pháp thân. Pháp thân là chân thật; diệu là đẹp, sáng, nhiệm màu, thoát khỏi phiền não; thường trụ là luôn tồn tại. Bộ tượng mang ý nghĩa thời quá khứ, hiện tại, vị lai tồn tại vĩnh hằng không bị lệ thuộc vào hình, danh, tướng, sắc của thế giới hữu hình cũng như không gian và thời gian.
Bộ tượng được công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 (Theo Quyết định 73/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ).
Mộc bản chùa Trăm Gian
Mộc bản chùa Trăm Gian, xã An Bình (Nam Sách), thế kỷ XVII - XX, có tên khác là mộc bản chùa Yên Ninh. Mộc bản kích thước không đồng đều, bản khắc lớn nhất kích thước 90 cm x 24,5 cm, bản nhỏ nhất 25,5 cm x 13,5 cm. Chùa Trăm Gian còn bảo lưu được 896 mộc bản, được chia thành 26 bộ kinh sách, 7 mộc bản tồn nghi và 67 mộc bản khắc mới. Mộc bản phần lớn là các bộ kinh và bộ luật lớn được lưu truyền rộng rãi trong Phật giáo.
Mộc bản được công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 (Theo Quyết định 73/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ)
Chum gốm hoa nâu Hiệp An
Chum thời Trần, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, cao 45 cm, nặng 20 kg. Chum được phát hiện khi nhân dân đào mộ tại nghĩa trang xã Hiệp An (huyện Kim Môn, nay là phường Hiệp An, thị xã Kinh Môn), ngày 6/12/1981. Chum làm từ đất sét trắng, phủ men màu vàng ngà, vẽ men nâu, xương gốm màu xám nhạt, đất luyện kỹ, nung ở nhiệt độ cao, bền chắc.
Chum được công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 (Theo Quyết định 73/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ).
Hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ
Có từ thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tại động Kính Chủ, phường Phạm Thái (Kinh Môn), có giá trị nghiên cứu lịch sử địa danh vùng đất Kinh Môn cũng như lịch sử di tích chùa Dương Nham, động Kính Chủ. Hệ thống văn bia động Kính Chủ lưu giữ bút tích của nhiều danh nhân, nhiều tao nhân mặc khách, các tác giả từ các bậc vua chúa, trí giả, sư sãi… thể hiện ở 47 văn bia trên vách.
Hệ thống bia được công nhận bảo vật quốc gia đợt 12 (Theo Quyết định 73/QĐ-TTg ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ).
Bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi
Bia hiện ở xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh), chất liệu đá xanh, cao 131 cm, rộng 82 cm, dày 14 cm. Rùa đội bia dài 165 cm, rộng 103 cm, cao 30 cm. Văn bia ghi lại hành trạng các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm, ghi rõ chùa Thanh Mai được Pháp Loa tôn tạo mở rộng ở thế kỷ XIV, là chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần.
Bia được công nhận bảo vật quốc gia đợt 5 (Theo Quyết định 2469/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ)
Bia Sùng Thiên tự bi
Hiện ở chùa Dâu, xã Nhật Tân (Gia Lộc), niên hiệu Khai Hựu thứ ba, đời Trần, năm 1331. Bia bằng đá xanh, cao 150 cm, rộng 87 cm, dầy 20 cm. Rùa đội bia dài 138 cm, rộng 95 cm, cao 48 cm. Văn bia ghi lại quá trình gây dựng và trùng tu, tôn tạo ngôi chùa. Đây là nguồn tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu, xác định niên đại của ngôi chùa, một trong những danh lam cổ tích có niên đại gần 1.000 năm lịch sử...
Bia được công nhận bảo vật quốc gia đợt 7 (Theo Quyết định 1821/QĐ-TTg ngày 24/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ).
Cửu phẩm Liên hoa chùa Động Ngọ
Có từ năm 1692 đời vua Lê Hy Tông, hiện ở chùa Động Ngọ, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương). Cửu phẩm bằng gỗ có hình lục giác đều, cao 665 cm. Tâm của cây cửu phẩm là cột trụ chất liệu gỗ lim đường kính 45 cm, được đặt trên một chân tảng đá trong lòng tháp.
Cửu phẩm được công nhận bảo vật quốc gia đợt 5 (theo Quyết định 2469/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ).
Cửu phẩm Liên hoa chùa Giám
Tòa cửu phẩm có từ thế kỷ XVII, tại chùa Giám, xã Định Sơn (Cẩm Giàng). Tòa tháp bằng gỗ, có hình lục giác đều, cao 652 cm, tượng A Di Đà trên đỉnh tháp cao 102 cm. Trọng lượng cây cửu phẩm nặng 4 tấn (theo số liệu cân năm 1974 trong lúc di chuyển chùa về vị trí hiện nay).
Cửu phẩm được công nhận bảo vật quốc gia đợt 4 (Theo Quyết định 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ).
Trống đồng Hữu Chung
Niên đại văn hóa Đông Sơn, từ 2.300 năm - 2.100 năm. Trống cao 67 cm, nặng 75 kg. Mặt trống chính giữa đúc nổi ngôi sao 12 cánh ở phần giữa. Xen giữa các cánh sao là họa tiết hoa văn hình lông đuôi chim công. Bao quanh ngôi sao là 9 vành hoa văn.
Trống được công nhận bảo vật quốc gia đợt 3 (Theo Quyết định 53/QĐ-TTg ngày 14/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ).
Bia Côn Sơn tư phúc tự bi
Bia có từ năm 1607, niên hiệu Hoằng Định thứ tám, hiện ở chùa Côn Sơn, làm từ đá xanh, hình lục lăng, cao 173 cm, rộng 33 cm, trọng lượng khoảng 500 kg. Nội dung bia ghi chép cô đọng, súc tích về đợt trùng tu chùa Côn Sơn năm 1607, do thiền sư trụ trì là Mai Trí Bản chủ trì. Nội dung cho biết chùa Côn Sơn Tư Phúc có từ thời Trần.
Bia được công nhận bảo vật quốc gia đợt 6 (Theo Quyết định 2089/QĐ-TTg ngày 25/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ)
Bia Thanh Hư Động
Niên hiệu Long Khánh (1372 - 1377) thời Trần Duệ Tông, hiện lưu giữ tại chùa Côn Sơn, bằng đá xanh, rộng 95 cm, cao 165 cm, dày 7 cm. Rùa đội bia dài 180 cm, rộng 100 cm, dày 28 cm. Bia và rùa được làm bằng đá trầm tích, màu xanh. Mặt trước, trên diềm đỉnh trán bia trang trí rồng chầu mặt trời. Đôi rồng được chạm theo lối triện hóa; mặt trời là một khối tròn có mây che.
Bia được công nhận đợt 4 (theo Quyết định 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ).