Thị trường

Săn đặc sản ăn Tết

BÌNH MINH 04/02/2024 11:00

Với mong muốn được đón Tết đủ đầy, thú vị, nhiều người dân ở Hải Dương đã bỏ công tìm tòi, sẵn sàng móc hầu bao mua đặc sản phục vụ gia đình và thết đãi khách.

img_5354.jpg
Chị Hoàng Thị Hường ở phố Khúc Thừa Dụ (TP Hải Dương) bán "gà bản" cho khách

Từ đồ ăn...

Trong bữa cơm ngày Tết của người Việt, thịt gà là món ăn không thể thiếu. Vào dịp này, thường các gia đình sẽ đặt mua gà ta loại ngon. Nhưng không ít người cầu kỳ săn lùng những loại gà nuôi theo kiểu ban ngày kiếm ăn trên đồi, tối bay lên cây ngủ mà dân buôn quen gọi là "gà bản".

Ngay tại TP Hải Dương, chị Hoàng Thị Hường, chủ một cơ sở buôn bán gà thịt ở phố Khúc Thừa Dụ (TP Hải Dương) đã lên tận tỉnh Lào Cai để săn loại gà trên. "Có hàng chục người đã đặt mua gà bản để ăn Tết năm nay. Thịt gà loại này thì cực kỳ thơm ngon nhưng trên đó họ nuôi nhỏ lẻ, phải mất nhiều công đi gom. Giá bán đắt hơn nhiều so với gà bình thường, từ 180.000-200.000 đồng/kg. Ngoài ra, nhà tôi còn cung cấp cả gà H'Mông, giá cũng gần tương đương", chị Hường thông tin.

Anh Bùi Văn Tú ở Thanh Miện vừa đặt mua 5 con gà bản của nhà chị Hường chia sẻ: "Càng ngày Tết càng đủ đầy nên phải ăn những thứ đặc sản như này mới thích, với lại tiếp khách cũng sang hơn. Tuy đắt nhưng cả năm mới có mấy ngày Tết nên thấy xứng đáng. Tôi phải hỏi nhiều người mới tìm được chỗ bán này".

Lợn rừng cũng là một đặc sản mà nhiều gia đình ở Hải Dương săn lùng dịp Tết. Thực tế trong tỉnh không hiếm hộ nuôi giống lợn rừng theo đàn nhưng một số gia đình có điều kiện kinh tế lại muốn săn hàng "chuẩn" hơn. Như anh Nguyễn Văn Tuyến ở Tứ Kỳ mấy ngày trước đã lên tận tỉnh Hoà Bình để tìm mua một con lợn rừng của đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Tuyến chia sẻ: "Trừ những năm có dịch Covid-19, còn lại mấy cái Tết gần đây, năm nào tôi cũng lên đó tìm mua một con về để anh em trong nhà tổ chức tiệc tất niên và làm quà biếu. Chất lượng thịt lợn rừng trên này thì khỏi chê nhưng quan trọng hơn là nó tạo cái cảm giác trải nghiệm thích thú, dấu ấn cho ngày Tết. Tôi lên đó đâu chỉ mua lợn mà còn mua mấy đồ đặc sản khác như cá sấy hồ Hoà Bình, măng lưỡi lợn mang về ăn Tết. Tết cứ phải khác hẳn ngày thường mới thú vị".

Nhiều người có điều kiện dường như đã quá quen, thậm chí thấy nhàm chán với những thực phẩm ngày Tết sẵn có tại địa phương. Thay vào đó, họ săn lùng đặc sản khắp các vùng miền để ngày Tết thêm thú vị. Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội đã làm cho việc săn đặc sản ngày Tết dễ dàng hơn. Chỉ cần lướt mạng xã hội Facebook, TikTok gõ từ khoá "đặc sản Tết" là người dân có thể xem những video giới thiệu rất nhiều "đặc sản Tết miền Bắc", "đặc sản Tết miền Nam", "đặc sản mùa Tết"... Bằng một vài thao tác đơn giản, người mua dễ dàng đặt hàng.

img_5404.jpg
Thịt trâu gác bếp là một trong những đặc sản của vùng Tây Bắc được nhiều người đặt mua trong dịp Tết

Anh Nguyễn Văn Ngọc quê Ninh Giang cho biết thói quen lướt Facebook hằng ngày khiến anh mê các món đặc sản vùng miền từ bao giờ không hay. Thỉnh thoảng anh vẫn đặt mua ăn thử và thấy khá ổn. "Tôi vừa lên mạng đặt mua thịt trâu gác bếp, ớt xiêm rừng Tây Nguyên, tỏi Lý Sơn ngâm dấm, khô cá lóc miền Tây. Tuy là đặc sản nhưng giá mua cũng vừa túi tiền. Hy vọng mấy đặc sản mới năm nay sẽ làm cho bữa ăn ngày Tết của gia đình thêm đủ đầy, hấp dẫn hơn".

Cũng nhờ mạng xã hội, anh Nguyễn Thanh Tùng ở TP Hải Dương đã đặt mua được đặc sản gà Đông Tảo ủ muối và cá kho làng Vũ Đại. "Cả hai món này gia đình tôi đã xem nhiều qua những video trên mạng nhưng chưa từng được thưởng thức. Tết là thời điểm thích hợp để thoả mãn sự tò mò, cũng làm cho bữa cỗ thêm phong phú, hấp dẫn", anh Tùng nói.

... đến thức uống

img_4282.jpg
Chị Nguyễn Thị Mai Vân ở TP Hải Dương thường mua đặc sản chè Thái Nguyên để tiếp khách dịp Tết

Đồ uống trong dịp Tết cũng là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Với chị Nguyễn Thị Mai Vân ở TP Hải Dương, Tết là phải có trà ngon tiếp khách. Chị thường đặt mua một số loại chè đặc sản của Thái Nguyên với mức giá lên tới vài triệu đồng/kg như Thượng Ty, Đinh, Nõn ướp nhài để gia đình sử dụng và làm quà biếu. "Hai năm nay tôi có mối quen nên nhập cả hàng bán cho người có nhu cầu. Trà đặc sản thơm ngon tạo thi vị riêng cho ngày Tết nên có khá nhiều người đặt mua", chị Vân thông tin.

Anh Nguyễn Thành Đồng ở Nam Sách lại thường mua đặc sản táo đỏ sấy khô của Trung Quốc và nấm đông trùng hạ thảo nấu lẫn làm nước uống trong dịp ngày Tết. Theo anh, thứ nước này vừa thơm ngon, vừa tốt cho hệ tiêu hoá, dễ ngủ và cũng không kém phần sang trọng khi tiếp khách.

Để phục vụ các cuộc liên hoan ngày Tết, không ít người Hải Dương còn nhờ người quen "xách tay" một số loại rượu bia thương hiệu từ nước ngoài về với giá đắt đỏ. Các loại bánh kẹo, hạt... xuất xứ các nước châu Âu hay Đài Loan (Trung Quốc) cũng được nhiều người săn lùng để ăn Tết. Một số cửa hàng ở TP Hải Dương đã nhập những sản phẩm này về bán phục vụ người tiêu dùng.

Săn đặc sản ăn Tết đang dần trở thành một xu hướng mới, cho thấy đời sống của người dân ngày càng nâng lên. Các mặt hàng đặc sản đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người dân khi tìm mua đặc sản cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, nên mua ở những đơn vị uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, ảnh hưởng tới sức khoẻ, hệ tiêu hoá, nặng hơn là ngộ độc thực phẩm khiến Tết kém vui.

BÌNH MINH