Phòng tránh đột tử trong thể thao bằng cách nào?
Câu chuyện cầu thủ Trần Ngọc Dũng bị ngưng tim đột ngột khi thi đấu ở Nhật Bản một lần nữa khiến người chơi bóng đá phải e ngại về vấn đề sức khỏe tim mạch.
Đột tử chứ không phải đột quỵ
Làng bóng đá đỉnh cao từng chứng kiến rất nhiều bi kịch, cũng như những khoảnh khắc hú vía khi các cầu thủ bị ngưng tim.
Marc-Vivien Foe, Puerta, hay Cheick Tiote… có một danh sách dài những ngôi sao bóng đá đã ngã xuống và mãi mãi không đứng dậy được khi đang thi đấu. Một số khác may mắn hơn - như Christian Eriksen ở Euro 2020 hay mới nhất là Tom Lockyer ở Premier League, đã may mắn được cứu sống kịp thời.
Không chỉ giới bóng đá đỉnh cao, nguy cơ đột tử còn hiển hiện ở sân chơi bóng đá phong trào. Bác sĩ Phan Tấn Tài (khoa tim mạch, Bệnh viện Trưng Vương, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ:
"Trường hợp cầu thủ Trần Ngọc Dũng mới đây thật ra được gọi là đột tử, chứ không phải đột quỵ. Chúng ta thường hay nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này. Với trường hợp đột quỵ, triệu chứng thường gặp nhất là liệt nửa người, méo miệng, có thể hôn mê nhưng tim vẫn còn đập. Còn đột tử là tình trạng ngưng tim đột ngột không thể dự đoán trước. Trong một số trường hợp, người bị đột tử có thể được cứu sống nếu can thiệp kịp thời.
Nguyên nhân chính gây đột tử là loạn nhịp tim. Với người trên 35 tuổi, khả năng cao là do xơ vữa động mạch vành. Còn với người dưới 35 tuổi thường là bệnh di truyền như bệnh cơ tim, các rối loạn hệ dẫn truyền trong tim…
Đột tử trong thể thao thường xuất hiện ở các môn đối kháng, những môn chơi có tính cạnh tranh cao. Thời tiết nắng nóng, mất nước hay vận động quá sức cũng là những yếu tố thúc đẩy".
Cẩn thận khi sơ cứu
Cách phòng tránh tốt nhất với nguy cơ đột tử trên sân đấu thể thao là phải tầm soát các bệnh lý tim mạch trước khi tham gia các môn thể thao, đặc biệt là các môn có tính đối kháng cao. Đây là chuyện nói thì dễ, nhưng thực hiện lại không dễ.
Bác sĩ Phan Tấn Tài chia sẻ: "Người Việt mình thường không có thói quen tầm soát tim mạch. Ngay cả khi đi khám sức khỏe cũng rất ít ai làm siêu âm tim, điện tim. Giới vận động viên theo tôi biết cũng vậy. Tôi từng gặp một vận động viên bơi lội, khi đo điện tim thì có dấu hiệu nguy cơ đột tử tim rất cao. Khi tôi khuyên nên tầm soát sâu hơn các vấn đề về tim mạch thì anh ấy lại không chịu, vì cho rằng mình rất khỏe và không hề có triệu chứng gì khi gắng sức.
Lời khuyên là khi đã xác định chơi những môn thể thao đối kháng một cách thường xuyên, bạn nên tầm soát tim mạch haằng năm. Nếu tim có vấn đề, bạn nên tìm các môn thể thao nhẹ nhàng hơn. Với giới vận động viên, việc này càng quan trọng.
Một lời khuyên khác, đó là tìm hiểu những kiến thức liên quan đến sơ cứu khi gặp người đột tử. Cách đây vài năm từng có trường hợp cầu thủ bị tụt lưỡi (hay nuốt lưỡi) khi bất tỉnh trên sân, rồi được đồng đội sơ cứu bằng cách kéo lưỡi ra.
Sở dĩ có hành động kéo lưỡi là vì sợ khi bệnh nhân bất tỉnh, nằm ngửa, lưỡi bị tụt xuống cuống họng sẽ gây cản trở hô hấp. Nhưng hành động này rất tốn thời gian và gây nguy hiểm cho nạn nhân (vô tình đẩy lưỡi ra sâu hơn, chấn thương vùng miệng…). Nếu gặp tình huống này, chúng ta chỉ cần dùng tay ngửa đầu và nâng cằm nạn nhân, lưỡi sẽ trở về vị trí bình thường.
Thời gian tế bào não tổn thương vĩnh viễn không hồi phục do thiếu oxy là 3 phút. Vì vậy, việc quan trọng nhất cần làm là hô to gọi sự giúp đỡ và tiến hành hồi sinh tim phổi cho nạn nhân ngay".