Để mắt đến con trẻ trong ngày Tết, tránh các tai nạn sinh hoạt đau lòng
Bên cạnh tai nạn pháo nổ ở trẻ lớn tuổi, các bác sĩ cảnh báo dịp cận và trong Tết, các tai nạn sinh hoạt khác như chấn thương, bỏng, hóc dị vật… ở trẻ nhỏ có xu hướng tăng.
Vào những ngày cận Tết, các bậc phụ huynh thường bận rộn hơn để chuẩn bị đón Tết nên việc trông nom trẻ không được sát sao hơn thường ngày.
Các bé có thể gặp các tai nạn sinh hoạt hằng ngày như: chấn thương, dị vật đường thở, điện giật, phỏng, ngạt nước, uống nhầm hóa chất...
Giập nát phần gót chân, tử vong do hóc dị vật...
Mới đây, bé gái T.K.Đ. (8 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố trong tình trạng đau nhức gót chân trái, chảy máu.
Khai thác bệnh sử ghi nhận bé được bố chở bằng xe gắn máy. Khi bé ngồi phía sau, vô ý đặt chân trái cuốn vào căm bánh xe sau.
Nghe bé la khóc nên bố của bé phanh xe lại, phát hiện gót chân trái của con bị cuốn vào dàn căm xe gây lóc da, chảy máu nhiều, nên lập tức băng ép cầm máu và đưa vào Bệnh viện Nhi đồng thành phố.
Trẻ được cấp cứu cầm máu vết thương, truyền dịch, X-quang không thấy gãy xương. Chuyển vào phòng mổ, ghi nhận bệnh nhân bị tổn thương giập nát một phần gân gót, tổn thương mô mềm mặt lòng ngón thứ 3 và 4 bên trái.
Bé được cắt lọc vết thương khâu phục hồi gân gót, khâu vết thương ngón chân thứ 3, 4 bên trái, say đó tiêm ngừa uốn ván, dùng thuốc giảm đau. Bé dần cử động các ngón chân và đi lại được.
Không may mắn, trường hợp một bệnh nhi ở tỉnh Tuyên Quang đã không qua khỏi vì gặp tai nạn hóc dị vật vào ngày 25/1 vừa qua. Mặc dù gia đình đã gọi nhân viên y tế tới cấp cứu nhưng không thành công.
Luôn để mắt mọi hoạt động của trẻ
Trước tình trạng ghi nhận trẻ gặp nhiều tai nạn sinh hoạt hơn trong dịp cận Tết, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh - khuyến cáo với sự hiếu động, nghịch phá của trẻ, tai nạn có thể xảy ra, do đó phụ huynh cần để mắt đến mọi hoạt động của trẻ.
Dị vật đường thở: Trẻ ăn dưa hấu có hạt dưa, hoặc cắn hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, hạt dẻ, ngay cả kẹo mứt… đặc biệt, khi trẻ vừa ăn vừa cười giỡn hoặc khóc dễ bị dị vật đường thở. Phòng ngừa tốt nhất là không cho trẻ nhỏ ăn các loại thức ăn có hạt này hoặc khi ăn phải lấy hết hạt ra.
Điện giật: Các ổ điện được che kín bằng các nút nhựa an toàn. Hạn chế trang trí đèn nhấp nháy hoặc để ở xa tầm với trẻ.
Phỏng: Hạn chế dùng khăn trải bàn hoặc phải cố định thật chắc để trẻ không thể kéo rơi đổ; ủi đồ xong phải để bàn ủi xa tầm với của trẻ, tốt nhất có người giữ trẻ.
Ngạt nước: Không thiết kế hồ kiểng trong nhà khi gia đình có trẻ nhỏ, xô nước, bồn cầu được đậy nắp hoặc không chứa nước.
Uống nhầm, ăn nhầm: Trẻ có thể bò, đi quanh nhà và vớ bất cứ thứ gì cho vào miệng như chai đựng dầu hôi, cồn xe nhang (rượu methanol), nước tro tàu (dung dịch KOH) hoặc các bả độc, thuốc an thần, động kinh (phenobarbital, haloperidol)...
Khi ăn hay uống những thứ trên, trẻ bị ngộ độc và có thể ảnh hưởng tính mạng. Phòng ngừa bằng cách không đựng hóa chất trong các chai nước giải khát hoặc các hóa chất phải để xa tầm với và tầm nhìn của trẻ.
Chấn thương: Để xa chậu cảnh khỏi tầm với trẻ, tránh trang trí cây cảnh, nội thất bằng dây kẽm, vật sắc nhọn. Khi chở trẻ sau xe, dặn dò trẻ để chân đúng vị trí an toàn, tránh đưa chân vào ổ căm xe, gây tai nạn đáng tiếc.
"Phòng ngừa chung nhất là luôn có người giữ, để ý trẻ và thiết kế ngôi nhà, môi trường trong nhà an toàn cho trẻ, giảm thiểu các nguy cơ có thể gây hại cho trẻ", bác sĩ Tiến kết luận.