Tết trong trường học ở Hải Dương
Dịp Tết Giáp Thìn 2024, các cơ sở giáo dục ở Hải Dương đều trang trí trường học, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm vui xuân, đón Tết ý nghĩa để giáo dục học sinh nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.
Ấn tượng nhất là gam màu đỏ chủ đạo, màu sắc đặc trưng của ngày Tết được các trường sử dụng ở hầu hết các khu vực, tiểu cảnh, từ cổng trường vào trong lớp học giúp học sinh thỏa sức đắm mình vào không gian xuân.
Tại Trường Mầm non Việt Hòa (TP Hải Dương), ngay từ đầu tháng 1/2024, trường đã bài trí rực rỡ với đèn lồng, hoa mai, hoa đào, câu đối đỏ, khu vực trải nghiệm chợ quê, viết thư pháp, nặn tò he, vườn hoa xuân, khu vực chơi trò chơi dân gian… Chương trình “Bé với ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn” được trường tổ chức từ ngày 18/1-2/2/2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn như: trải nghiệm các trò chơi dân gian, trang trí và trưng bày các gian hàng, đồng diễn toàn trường kết hợp các ca khúc mùa xuân, tổ chức tiệc cho trẻ với những món ăn truyền thống trong ngày Tết ...
Cô Đoàn Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Việt Hòa cho biết việc trang trí đón Tết tại các trường mầm non không chỉ tạo không khí hân hoan vui xuân mà còn mang tới không gian để các em vui chơi, học tập, hiểu thêm về ngày Tết cổ truyền. Trẻ được cùng tham gia vào các hoạt động vui xuân giúp các bé khám phá văn hoá Tết tại các miền, từ đó học hỏi được thêm nhiều điều mới, thú vị.
“Mầm non là độ tuổi mà việc học chủ yếu thông qua nhìn ngắm, chơi đùa, nên trang trí và tổ chức các hoạt động trải nghiệm Tết sẽ tạo môi trường để trẻ được tiếp xúc với những nét đẹp truyền thống của dân tộc, giúp trẻ thích đến trường hơn. Đồng thời giúp không gian trường học vui tươi hơn, rực rỡ hơn để chào đón năm mới với nhiều may mắn”, cô Thủy nói.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở phường Việt Hòa cho biết: “Tôi đã xin nghỉ 1 ngày để trải nghiệm cùng con tại trường. Tôi rất hào hứng khi được cùng con tham gia gói bánh chưng, bán hàng Tết, trang trí không gian Tết… Đây chính là một kỷ niệm khó quên của hai mẹ con trong dịp Tết này. Các con đã mạnh dạn, tự tin và hiểu biết nhiều điều hơn”.
Còn tại Trường Tiểu học thị trấn Thanh Miện, ngày 18/1 vừa qua, đại diện lãnh đạo, giáo viên các trường tiểu học trong huyện cùng hơn 1.200 học sinh tiểu học đã được đắm mình trong không khí của Tết và lễ hội dân gian truyền thống. Sự kiện này đã được trường chuẩn bị công phu và tổ chức hoành tráng, tạo ấn tượng tốt đẹp tới giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Học sinh được hòa mình vào các tiết mục văn nghệ, màn trống hội, biểu diễn võ thuật đặc sắc... Tại khu trải nghiệm Tết miền Bắc, các em biết về nét đẹp văn hóa, đặc trưng của các danh lam thắng cảnh, kiến trúc Bắc Bộ, phong tục tập quán, ẩm thực, sản vật của một số địa phương, sản phẩm làng nghề truyền thống. Tại khu trải nghiệm Tết miền Trung, các em biết thêm kiến thức về những danh nhân nổi tiếng, trang phục, lễ hội, con người, ẩm thực, các ngành nghề nổi bật. Còn ở khu trải nghiệm miền Nam, các em được chiêm ngưỡng mô hình chợ nổi, dãy nhà phố Sài Gòn, đường hoa Nguyễn Huệ ...
Thích thú hơn là các em được trải nghiệm viết và xin chữ thư pháp, cùng tham gia các trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, đi cầu kiều, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, chơi ô ăn quan…..
Em Nguyễn Đức Minh, lớp 4C cho biết: “Em và các bạn rất vui khi được cùng thầy cô, bố mẹ tham gia hoạt động ý nghĩa này. Qua các hoạt động trải nghiệm, em biết thêm về những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết và nhận thấy mình phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp đó”.
Cô Vũ Thị Hoài Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Thanh Miện cho biết mỗi khu trải nghiệm, mỗi tiết mục, hoạt động đều được các thầy cô giáo và học sinh chuẩn bị tỉ mỉ, công phu từ việc lên ý tưởng cho tới cách thể hiện, trình bày. Từ đó phát huy tinh thần sáng tạo, sự say mê khám phá của các em.
“Đây là hoạt động thực sự bổ ích, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi, là động lực để giáo viên, học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm học 2023-2024”, cô Hương nói.
Nhiều trường học trong tỉnh đã và đang tổ chức các chương trình trải nghiệm Tết cổ truyền dân tộc bằng nhiều hình thức và tên gọi khác nhau như “Xuân gắn kết - Tết yêu thương”, “Tết dân gian”, “Xuân sum vầy - Tết sẻ chia”… Cũng tại các sự kiện này, các trường còn huy động nguồn lực, xã hội hóa, tổ chức quyên góp, bán hàng gây quỹ và tặng quà Tết cho học sinh khó khăn. Qua đó, không ngừng lan tỏa, giáo dục học sinh về đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhất là dịp Tết đến, xuân về.