HĐND các cấp ở Hải Dương nâng cao chất lượng giám sát, tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu đề nghị HĐND các cấp trong tỉnh nâng cao chất lượng giám sát, tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri, nhất là các nội dung tồn đọng kéo dài.
Chiều 29/1, tại Trung tâm Văn hoá Xứ Đông, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa hội nghị.
Gần 100 đại biểu là lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, Uỷ ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và Thường trực, lãnh đạo một số ban HĐND cấp huyện, xã dự hội nghị.
Tại hội nghị, 6 lượt đại biểu đã tham luận trực tiếp và có 58 tham luận gửi về Thường trực HĐND tỉnh về thực tiễn triển khai 2 luật, kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung luật cùng giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động HĐND các cấp.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu ghi nhận những nội dung tham luận của các đại biểu. Đồng chí đề nghị thời gian tới, HĐND các cấp tập trung nâng cao chất lượng giám sát, đi vào giám sát những điểm nghẽn, nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cùng với đó, cần tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ trong giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, vi phạm đất đai...
Về việc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, đồng chí Lê Văn Hiệu nhấn mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND bắt nguồn từ nâng cao chất lượng đại biểu HĐND. Do đó, thời gian tới, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm để lựa chọn những người có năng lực, trình độ, trách nhiệm cao tham gia hoạt động HĐND. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh của đại biểu HĐND chuyên trách và đội ngũ tham mưu giúp việc cần được chú trọng hơn nữa.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích khẳng định qua 8 năm triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, HĐND các cấp tỉnh Hải Dương đã không ngừng đổi mới, cải tiến phương thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trong đó, tăng cường vai trò và trách nhiệm của Thường trực, các ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và từng đại biểu HĐND trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó, góp phần thực hiện và hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các luật đã bộc lộ một số bất cập chưa phù hợp với thực tiễn như một số quy định, hướng dẫn của Trung ương còn chưa đầy đủ, kịp thời, thống nhất.
Đối với Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo có lúc, có nơi còn chậm, chưa đầy đủ theo quy định; chưa đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Ngoài ra, trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến một số khó khăn khi triển khai công tác bầu cử. Kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử còn hạn hẹp…
Đối với Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, việc tham gia hoạt động giám sát của các đại biểu HĐND cũng như chất lượng một số cuộc giám sát chưa cao. Phần lớn đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm nên quỹ thời gian tham gia hoạt động dân cử còn ít, hiệu quả giám sát còn những hạn chế nhất định. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát có đơn vị chưa nghiêm túc, chưa có biện pháp, chế tài phù hợp...
Tại hội nghị này, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đã triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024. HĐND tỉnh đặt mục tiêu mỗi địa phương cấp huyện tổ chức ít nhất 1 phiên chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND cấp huyện trong năm 2024. Nội dung này được Thường trực HĐND cấp huyện nhất trí cao.