Doanh nghiệp thành lập mới tăng gần 25%, tiếp tục giải pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2024 tăng đến gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 1/2024, Việt Nam có 13,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 151,5 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký hơn 103,4 nghìn lao động, tăng 2,2% về số doanh nghiệp, giảm 2,3% về vốn đăng ký và tăng 31,8% về số lao động so với tháng 12/2023.
So với cùng kỳ năm trước, tăng 24,8% về số doanh nghiệp, tăng 52,8% về số vốn đăng ký và tăng 50,8% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,2 tỷ đồng, giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Nếu tính cả 218,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4,4 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2024 là 370,1 nghìn tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, Việt Nam có gần 13,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (gấp 2,2 lần so với tháng 12/2023 và giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 01/2024 lên hơn 27,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, năm 2024, Chính phủ cùng các Bộ, ngành cần thay đổi từ tư duy tháo gỡ khó khăn sang tư duy tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh; giảm thủ tục hành chính, giảm thanh tra kiểm tra dành thời gian cho doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh.
Các chuyên gia và doanh nghiệp dự báo bối cảnh năm 2024 vẫn khó khăn, nhiều bất trắc và luôn có những yếu tố không lường trước được. Do đó, điều quan trọng của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam là sự thích ứng cao. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng, khó đoán trước, rủi ro, thì sự thích ứng và chống chịu là điều quan trọng cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam đã kịp thời và nỗ lực trong việc đưa ra các giải pháp phù hợp và thích ứng với bối cảnh kinh tế thế giới. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong các Nghị quyết của Chính phủ đầu năm nay như Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, cho thấy sự quyết liệt và chủ động của Chính phủ trong việc điều hành kinh tế. Bên cạnh đó, đã có những trọng tâm được đề ra như tiếp tục thúc đẩy việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Do đó, năm 2024 là năm cần phải tăng tốc, cần phải có sự chủ động từ đầu”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan. Tuy nhiên, các nhóm giải pháp cần giữ vững và phục hồi được các động lực tăng trưởng. Cụ thể: Cần thúc đẩy đầu tư tư nhân, số lượng doanh nghiệp thành lập mới phải tăng thêm, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường phải giảm đi. Đầu tư nước ngoài phải được thúc đẩy, đặc biệt là các dự án chất lượng cao, các dự án có giá trị lớn trong các lĩnh vực và ngành nghề mà Việt Nam khuyến khích phát triển.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, cải cách thể chế cũng cần được thúc đẩy, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành không phù hợp, tăng cường đối thoại với các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp để nhanh chóng khắc phục khó khăn; thúc đẩy đầu tư hạ tầng, đầu tư công cũng quan trọng. Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp tương đối toàn diện. Nếu thực hiện tốt các giải pháp này, chắc chắn sẽ mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại Việt Nam.
Một điểm mới trong năm 2024 là ngay từ những ngày đầu năm, Chính phủ đã ban hành trở lại Nghị quyết 02, cho thấy thông điệp rõ ràng của Chính phủ về ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 và những năm sắp tới. Do đó, đây là vấn đề quan trọng, phải được ưu tiên của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và chính quyền các cấp.
"Những giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là nhóm giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Khi môi trường kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính thuận lợi, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ thì chi phí kinh doanh ở Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với các nước và Việt Nam mới trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư", ông Đậu Anh Tuấn cho biết.