Phỏng dựng nhiều nghi lễ đặc sắc Tết Phố cổ Hà Nội: Giữ gìn bản sắc văn hóa
Các nghi lễ truyền thống như Đoàn rước dâng lễ cửa Đình, Lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng Tổ nghề, Lễ dựng cây Nêu đã được phỏng dựng trong chương trình “Tết Việt-Tết phố 2024” ở phố cổ Hà Nội.
Ngày 28/1, chương trình “Tết Việt-Tết phố 2024” nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 do Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân tổ chức, đã khai mạc tại đình Kim Ngân, 40-42 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Đặc biệt, tại chương trình “Tết Việt-Tết phố 2024,” Ban Tổ chức đã phỏng dựng nhiều nghi lễ đặc sắc của Tết Phố cổ Hà Nội.
Điểm nhấn trong chương trình, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa tổ chức phỏng dựng các nghi lễ truyền thống như Đoàn rước dâng lễ cửa Đình, Lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng Tổ nghề, Lễ dựng cây Nêu…
Đoàn rước dâng lễ cửa Đình xuất phát từ Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, đi qua phố Đào Duy Từ-Ô Quan Chưởng-Hàng Chiếu-Hàng Giầy-đền Bạch Mã-Hàng Buồm-Tạ Hiện- rạp Chuông Vàng-Hàng Bạc-đình Kim Ngân.
Tham gia đoàn rước là hơn 300 người, trong đó có tới 200 người bê lễ, đa phần là thanh thiếu niên. Đoàn chia làm nhiều khối: Khối sinh tiền, khối làm lễ, khối dâng lễ, khối các địa phương (nghệ thuật Huế, hát Xoan Phú Thọ, hát Then Thái Nguyên...) và cộng đồng.
Những người tham gia đoàn rước đều mặc trang phục áo dài truyền thống ngũ thân, trong đó, người làm lễ mặc áo tấc (áo tay rộng), những người còn lại mặc áo tay chẽn.
Lễ vật là những vật phẩm truyền thống của Hà Nội như bánh cốm, chè sen, bánh chưng, mứt Tết...
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt Nguyễn Đức Bình cho biết lễ rước năm nay có sự thay đổi lớn, người mặc áo dài truyền thống ngũ thân tăng lên nhiều.
Hầu như mọi người không mặc trang phục lai căng đến chương trình Tết Việt-Tết phố, như trang phục thêu rồng, phượng, hoa lá và trang phục nam theo kiểu Ấn Độ.
Năm nay, lễ rước hoàn toàn có sự tham gia của cộng đồng, không có sự tham gia của nghệ sỹ.
Lễ cáo yết Thành Hoàng và cúng Tổ nghề thực hiện trang nghiêm cầu mong đến thần linh, đặc biệt là Thành Hoàng và Tổ nghề đình Kim Ngân những điều tốt đẹp cho năm mới.
Trong đoàn có sự tham gia của nhiều nghệ nhân nghề thủ công truyền thống và đây cũng là dịp tri ân đến ông Tổ bách nghệ đang được thờ phụng tại đình Kim Ngân và cầu mong năm mới hanh thông.
Lễ dựng cây nêu được thực hiện sau khi hoàn tất các nghi lễ khác và thực hiện trong sự vui mừng, phấn khích của những người tham dự.
Cây tre dùng để làm cây nêu được lấy từ huyện Chương Mỹ (Hà Nội), các đồ làm nêu như các con cá được đặt tại làng mộc Áng Phao (huyện Thanh Oai), sơn các con cá do thợ sơn làng sơn mài Bối Khê (huyện Phú Xuyên) thực hiện.
Cây nêu được dựng với ý nghĩa giữ đất, không cho ma quỷ xâm chiếm đất, nhưng nó có ý nghĩa lớn lao hơn là báo hiệu mùa Xuân mới đã về.
Đây là những nghi lễ của người Việt được Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cùng nhóm Đình làng Việt phỏng dựng với mong muốn trở thành truyền thống mới của Phố cổ Hà Nội.
Ngoài ý nghĩa về tín ngưỡng thì Ban tổ chức mong muốn mọi người cùng nhau chung vui, mang tinh túy văn hóa Hà Nội đến gần hơn với cuộc sống.
Chia sẻ tại lễ khai mạc “Tết Việt-Tết phố 2024”, Phó trưởng Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu Phố cổ Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm mà Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội thực hiện.
Chuỗi hoạt động văn hóa “Tết Việt-Tết phố 2024” tập trung giới thiệu với nhân dân, du khách về không gian, nếp sinh hoạt đón Tết truyền thống của người Hà Nội, không gian tết truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, tổ chức các hoạt động trải nghiệm các nét văn hoá dân gian như, dựng cây nêu, gói bánh…, cũng như giao lưu, giới thiệu các sản phẩm làng nghề nhân dịp Tết truyền thống.
Các hoạt động trong chương trình “Tết Việt-Tết phố 2024” kết thúc sau dịp Tết Nguyên đán để phục vụ nhân dân vui Tết.