Thân thương Trường Sa - Bài 1: Cờ đỏ, sao vàng tung bay khắp Trường Sa
Những ngày đầu tiên của năm 2024, nhà báo Trung Thu (bút danh Linh An), Báo Hải Dương tham gia đoàn công tác ra thăm, chúc Tết quân và dân quần đảo Trường Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ghi lại những cảm xúc, phản ánh cuộc sống của quân và dân Trường Sa thân thương.
Lá cờ Tổ quốc Việt Nam tung bay trên đảo Song Tử Tây như ngọn lửa giữa nền trời biển xanh thẳm rõ dần. Cả tàu ùa lên boong... Hạnh phúc vỡ òa trong tôi và hàng chục phóng viên nhiều cơ quan báo chí trong cả nước – hầu hết là những người lần đầu được đến với quần đảo Trường Sa trong hải trình này.
Hiên ngang giữa biển trời
Những bàn chân ùa lên Song Tử Tây - điểm đảo đầu tiên mà chúng tôi được ghé thăm, vui như đàn trẻ được đến trường, ngôi trường lớn thêm một lần dạy chúng tôi về tình yêu Tổ quốc.
Quần đảo thiêng liêng – phần máu thịt của Tổ quốc mà tôi và hàng triệu người con đất Việt hằng mơ ước được đến là đây ư? Sao gần gũi, thân thương đến thế!
Những tà áo dài in hình cờ đỏ sao vàng của các cô gái nổi bật giữa hàng ngũ quân dân xã đảo đón chúng tôi. Giữa nền cây lá xanh ngát của điểm đảo được mệnh danh là “công viên xanh giữa đại dương”, màu cờ Tổ quốc càng thắm đỏ. Miên man trong sắc màu rực rỡ, tôi hòa vào dòng cán bộ, chiến sĩ, quân dân xã đảo đi lễ chùa, cổ vũ các chiến sĩ thi đấu bóng chuyền, bóng đá, gói bánh chưng, trang trí chuẩn bị đón Tết... Mùa xuân như đang bừng lên cùng màu cờ hoa, xóa nhòa khoảng cách xa xôi giữa đất liền và biển đảo.
Thân thương trong cả hải trình hơn nửa tháng của chúng tôi, cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay khắp nắng gió Sinh Tồn, Song Tử Tây, Cô Lin, Len Đao; trên đỉnh tháp của tàu hải quân, tàu kiểm ngư, trên mũi những chiếc xuồng chuyển tải đi lại như con thoi giữa tàu và các đảo. Trên các đảo, cờ Tổ quốc đỏ thắm trên cột cờ, cột mốc chủ quyền và thắm cả trên ngực áo của những người ở đảo và ra thăm quần đảo... Những lá cờ đỏ, sao vàng mà tôi thấy ở quần đảo Trường Sa đều đẹp một cách lạ thường, kiêu hãnh, hiên ngang và đỏ thắm giữa nền trời cao xanh xa rộng, giữa mặt biển bao la, không giống bất kỳ một nơi nào.
Nghẹn ngào là giây phút tôi được chứng kiến những chiến sĩ, phóng viên dùng bút màu tô thành những lá cờ Tổ quốc nhỏ xinh lên cánh hạc trắng để chuẩn bị cho Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển Gạc Ma. “Biết ơn”, “Tưởng niệm”, “Tri ân"... là những dòng chữ cùng được viết lên hàng trăm cánh hạc, được nâng niu, nhẹ nhàng thả xuống vùng biển mà các liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Có người say sóng đến mức phải nằm sấp cho đỡ mệt, vẫn cố gắng gấp, tô từng cánh hạc; rồi tự tay dâng nén nhang thơm, thả cánh hạc mang lá cờ Tổ quốc vào muôn trùng cánh sóng thay lời biết ơn sâu sắc...
“Tuy tuổi cao, nhưng được một lần được đứng bên cột mốc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, được ngắm màu cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển trời Tổ quốc, tôi thấy tan biến mọi khó khăn, vất vả của hải trình. Tôi càng yêu tha thiết quê hương, biển đảo của Tổ quốc mình”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Mạnh Hùng, 72 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh người cao tuổi TP Hồ Chí Minh – thành viên cao tuổi nhất của đoàn công tác tâm sự.
Trao truyền một tình yêu
Trong chuyến công tác này, chúng tôi may mắn được dự lễ chào cờ thiêng liêng ngay trên các đảo. Cả đoàn, không ai bảo ai, tất cả đều tự hào mặc lên mình chiếc áo đỏ sao vàng, nghiêm trang tham dự.
Khi cờ Tổ quốc được chậm rãi căng lên cùng tiếng Quốc ca hòa tiếng sóng, hàng trăm đôi mắt đều ngước lên như cùng tâm nguyện, nghĩ suy về biển đảo thiêng liêng. Rưng rưng suốt buổi lễ chào cờ đầu tuần trên đảo Sinh Tồn, với chị Phạm Hồng Hạnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tứ Kỳ (Hải Dương) đây là lễ chào cờ đặc biệt trong đời. “Tôi đã từng được thấy những lá cờ đỏ, sao vàng tung bay ở đất mũi Cà Mau, địa đầu Móng Cái… Nhưng được cùng quân và dân trên quần đảo Trường Sa ngước lên chào lá Quốc kỳ giữa muôn trùng biển khơi, tôi càng biết ơn bao thế hệ cha ông đi trước đã vun đắp, bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương”, chị Hạnh xúc động nói. Mang theo 10 lá cờ Tổ quốc để tặng cho quân dân các xã đảo, chị Hạnh xuýt xoa tiếc mãi vì không thể đem theo nhiều hơn.
Những lá cờ Tổ quốc treo nơi đầu sóng, ngọn gió giữa trùng trùng biển khơi không tránh khỏi bạc màu, sờn rách, nhưng lập tức sẽ được thay mới.
Nhận từ Thượng tá, Chính trị viên đảo Song Tử Tây Trần Văn Hùng những lá cờ đã bạc màu vì nắng gió, chúng tôi đều khóc. Đây là những lá cờ cũ được đóng dấu của đảo, được cán bộ, chiến sĩ các đảo ký tặng. Trong hành trang trở về đất liền, ai ai cũng cố gắng gói ghém, nâng niu kỷ vật ngấm màu nắng gió, thấm đẫm tình yêu biển đảo quê hương.
Thêm yêu màu cờ Tổ quốc, chúng tôi càng ghi nhớ và biết ơn bao lớp người đã hy sinh cả thân mình cho biển đảo quê hương. Đó là thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong trận hải chiến 30 năm trước đã dũng cảm giành lại lá cờ Tổ quốc khi quân địch xông vào cướp. Ông hy sinh và để lại câu nói bất hủ: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc…”. Đó là đại úy Vũ Quang Chương, Trạm trưởng Nhà giàn DK1/6 trong giờ phút sinh tử vào rạng sáng 13/12/1998 trước khi nhà giàn bị đổ sập do bão lớn, vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em rời nhà giàn, thu xếp tài liệu, cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào lòng rồi rời nhà giàn sau cùng, thanh thản đi vào lòng biển...
Tôi mới hiểu, những lá cờ Tổ quốc hôm nay được trao nhận ở Trường Sa chính là sự trao truyền một tình yêu nối dài – tình yêu Tổ quốc tôi.
--------------------------------
Bài 2: "Chồi non" ở đảo