Nâng tầm quốc tế 6 bệnh viện ra sao?
Thủ tướng vừa phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó quy hoạch đầu tư nâng cấp 6 bệnh viện ngang tầm quốc tế giai đoạn 2025 - 2030.
Bộ Y tế cho hay 6 bệnh viện này sẽ trở thành bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt để giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị. Đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.
Để tất cả có ý nghĩa, bên cạnh nâng tầm quốc tế phải chăm lo được cho bệnh nhân nghèo. Chúng ta phải có cơ chế giá viện phí phù hợp mà người nghèo vẫn có thể tiếp cận được. Nâng tầm quốc tế chỉ phục vụ người giàu mà quên người nghèo là sai mục đích, chuyện lên quốc tế sẽ không có ý nghĩa.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy NGUYỄN TRI THỨC
Y tế Việt Nam ngày càng được người nước ngoài quan tâm
Trong những năm qua, theo thống kê của ngành du lịch, khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch kết hợp khám chữa bệnh mỗi năm đã mang về khoảng 2 tỉ USD với trung bình mỗi năm là 300.000 người đến khám nội trú và 57.000 người được điều trị nội trú.
Đầu tháng 2/2024, bà L.W. (48 tuổi, quốc tịch Mỹ) cùng chồng đến Huế du lịch thì có biểu hiện đau bụng đột ngột, nôn ói và được đưa đến Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Bà L.W. có tiền sử cắt một đoạn đại tràng bên phải cách đây 32 năm, các bác sĩ cấp cứu và chẩn đoán bệnh nhân mắc phải chứng tắc ruột tại nơi nối ruột non và đại tràng bị cắt trước đó.
Tuy vậy, bệnh nhân đã từ chối phẫu thuật, chỉ yêu cầu điều trị nội khoa và chờ về Mỹ phẫu thuật do chưa tin tưởng trình độ y, bác sĩ Việt Nam.
Sau đó, khi bệnh nhân được các bác sĩ gia đình tại Mỹ phản hồi các bác sĩ Việt Nam đã chẩn đoán đúng và phác đồ điều trị cũng theo đúng chuẩn quốc tế, bà L.W. đã đồng ý mổ nội soi. Sau mổ 10 ngày, bệnh nhân khỏe, có thể xuất viện, bệnh nhân cảm kích nói lời cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ trong suốt quá trình điều trị. Đây chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân người nước ngoài đã được điều trị tại Việt Nam.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện, cũng cho hay mỗi năm bệnh viện ghi nhận số lượng người nước ngoài đến điều trị bệnh rất nhiều và ngày một tăng. Thực tế nhiều lãnh sự quán đặt tại TP Hồ Chí Minh đã kết hợp với bệnh viện để chăm sóc cho người dân các nước như Mỹ, Nga, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia... Do vậy, việc nâng cấp bệnh viện lên tầm quốc tế là rất đúng đắn.
Nếu trước đây, du lịch y tế chỉ đề cập tới chuyện đến các nước phát triển hơn thì dần cũng đã có sự thay đổi vì dịch vụ y tế ở các nước đang phát triển có chi phí rẻ hơn.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định mối quan tâm hàng đầu của khách du lịch y tế là chất lượng dịch vụ kỹ thuật và chất lượng phục vụ các cơ sở y tế tại các nước mà họ định đến.
Theo thống kê nhiều nước trên thế giới, các loại hình du lịch y tế phổ biến là phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa, ghép tạng, phẫu thuật tim và phẫu thuật chỉnh hình, thụ tinh trong ống nghiệm...
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh), cho rằng hiện nay chi phí điều trị ở Việt Nam thấp hơn so với các nước lân cận. Ví dụ chi phí thụ tinh trong ống nghiệm của Việt Nam hiện nay có giá chỉ bằng 1/6 so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong khi tỉ lệ thành công cao đạt từ 50 - 60% không thua kém gì so với các nước trong khu vực.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), chia sẻ Việt Nam từ một nền y học còn lạc hậu, gặp nhiều khó khăn, đến nay hệ thống khám, chữa bệnh đã có những bước phát triển vượt bậc, đã ứng dụng và làm chủ các kỹ thuật cao ngang tầm thế giới.
Trong đó, có nhiều chuyên ngành, lĩnh vực y khoa do chính các bác sĩ Việt Nam làm thầy, chuyển giao kỹ thuật cho bác sĩ của các nước trên thế giới. Đặc biệt, ngày càng nhiều người nước ngoài đến Việt Nam để chữa bệnh.
Đã và đang tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế
Được biết, một trong những bệnh viện nằm trong quy hoạch là Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Đây là bệnh viện được trang bị nhiều trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, quy tụ được đội ngũ hơn 3.000 cán bộ nhân viên. Bệnh viện cũng là một trong các trung tâm ghép tạng hàng đầu tại Việt Nam.
Theo GS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc bệnh viện, thế mạnh của bệnh viện là đồng bộ và tiếp cận thế mạnh của thế giới. Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật hiện nay hầu hết được học ở Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều được chuẩn bị từ hàng chục năm nay. Ngoài ra tất cả bệnh nhân ung thư hiện nay đều được chẩn đoán, điều trị theo phác đồ chuẩn của Mỹ, Nhật, châu Âu.
Với slogan của bệnh viện là "Chuyên sâu - Chuyên tâm - Vươn tầm quốc tế", Đảng ủy bệnh viện đã ra một nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nhân viên trong 5 năm tới.
Trong đó xây dựng mục tiêu đến năm 2025, tất cả các hội nghị khoa học đều phải được trình bày, báo cáo bằng tiếng Anh. Tất cả các tạp chí, số báo của Viện Nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108 phải viết bằng tiếng Anh.
"Chúng tôi phấn đấu một năm phải có 3 - 5 kỹ thuật mới chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng chi ra 1% doanh thu để đầu tư vào việc đào tạo nghiên cứu khoa học. Các kết quả của đề tài đó yêu cầu là phải được ứng dụng trong thực tiễn, phải là nghiên cứu mới.
Bệnh viện cũng liên tục đẩy mạnh đào tạo, tăng cường hợp tác nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ với hơn 40 nước và nhiều tổ chức quốc tế để tiếp thu kinh nghiệm, kỹ thuật và tinh hoa y học trên thế giới. Đây sẽ là nền tảng tạo đà để bệnh viện không ngừng phát triển vượt bậc về mọi mặt", ông Song chia sẻ.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, cũng là bệnh viện nằm trong quy hoạch này, những năm gần đây đã tăng cường nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị tiên tiến phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Ngoài ra, theo GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc bệnh viện này, bệnh viện đã và đang phát triển những kỹ thuật chuyên sâu, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới.
Cần cơ chế riêng cho bệnh viện hạng "đặc biệt"
Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng chiến lược nâng cấp 6 bệnh viện ngang tầm quốc tế là một hướng đi rất đúng đắn và kịp thời, tất yếu và là một cách "chắp cánh" mới cho nền y tế Việt Nam vươn ra thế giới. Cụ thể, ông Nguyễn Tri Thức đánh giá tay nghề bác sĩ Việt Nam, đặc biệt là các bác sĩ hạng đặc biệt ngang tầm và bắt kịp với các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới.
Tuy nhiên hiện nay các trang thiết bị cho các bác sĩ vẫn còn hạn chế. Vì thế, các bệnh viện khi có quyết định nâng tầm quốc tế cần phải có kế hoạch chuẩn bị lâu dài, phải liên tục cố gắng, không ngừng đổi mới để có được sự công nhận của bệnh nhân trong và ngoài nước.
Vì thế, để thuận lợi trong việc nâng cấp, các bệnh viện phải lập đề án đào tạo bác sĩ ở nước ngoài, nhất là các nước có nền y tế phát triển trên thế giới.
Đây chính là điều bắt buộc để các bác sĩ học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, liên kết với những chuyên gia nổi tiếng, có được hội nghị mang tầm quốc tế tạo "tiếng vang" y tế Việt Nam. Điều này phải được thực hiện liên tục, lâu dài và khiến trình độ ngoại ngữ của các bác sĩ ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh đó cần có cơ chế đặc biệt cho việc mua sắm trang thiết bị ở các bệnh viện hạng đặc biệt dựa trên yếu tố thời gian mua sắm, lựa chọn thương hiệu theo chuyên môn, tay nghề bác sĩ. Tốc độ phát triển y tế của thế giới rất nhanh, nếu phải chờ thời gian đấu thầu sẽ khó đuổi kịp. "Ngoài ra chúng ta phải đổi mới các dịch vụ như phong cách giao tiếp, vấn đề vệ sinh, cơ sở vật chất, cung cách phục vụ", ông Thức nói.
Trong khi đó nói về hướng phát triển của Bệnh viện Trung ương Huế, GS.TS Phạm Như Hiệp cho hay tới đây, bệnh viện sẽ tiến hành khởi công dự án mở rộng Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và quốc tế giai đoạn 2 với kinh phí 300 tỉ đồng để trở thành Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế.
Đồng thời sẽ triển khai xây dựng tòa nhà huyết học lâm sàng, mở rộng Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, đặc biệt trong lĩnh vực ghép tạng; phát triển các kỹ thuật tim mạch và đột quỵ; phát triển công nghệ sinh học và điều trị ung thư...
Không quên phục vụ trong nước
Theo Bộ Y tế, dự báo cho giai đoạn 2020 - 2040 cho thấy gánh nặng bệnh tật hàng đầu của các bệnh không lây nhiễm chiếm hơn 80% gánh nặng tử vong toàn quốc và có xu hướng tăng dần qua các năm. Bộ nhận định những năm tiếp theo, tỉ trọng tử vong do bệnh tim mạch có xu hướng giảm (xuống còn 26,2% năm 2040), nhưng tỉ trọng tử vong do bệnh ung thư vẫn tiếp tục tăng (chiếm 24,6% năm 2040).
Nhu cầu giường bệnh cũng sẽ tiếp tục tăng dần qua các năm. Trong giai đoạn 2021 - 2030, cả nước cần bổ sung thêm 925.000 giường bệnh, trong đó số giường bệnh của bệnh viện cấp quốc gia cần bổ sung thêm khoảng 8.700 giường bệnh.
Bộ Y tế đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế vừa được phê duyệt xác định theo đuổi mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, đảm bảo phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Từ đó tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân và đủ năng lực đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong từng thời kỳ, đồng thời từng bước tiệm cận hệ thống y tế của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Đầu tư mạnh cho tương lai nhưng phải giải quyết khó khăn hiện tại
Năm ngày trước, ông L.T.T., 68 tuổi ở Phú Thọ, được chuyển tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mổ gãy xương tay sau tai nạn giao thông. Gia đình vừa đóng viện phí thì được báo bệnh viện đang hết vật tư là nẹp và vít, bệnh nhân có thể chuyển về quê hoặc sang bệnh viện khác ở Hà Nội phẫu thuật.
Gia đình ông T. lo lắng vì quay về quê không biết có vật tư không? Không biết nếu bệnh viện ở Phú Thọ cũng hết nẹp và vít thì phải chuyển đi đâu? Vì vậy họ cố liên hệ để tìm một bệnh viện khác ở Hà Nội, nếu có gì thiếu thốn thì Hà Nội nhiều bệnh viện lớn, có chuyển cũng đỡ lo hơn.
Tình trạng thiếu thốn vật tư, thiết bị y tế đã diễn ra trầm kha từ năm 2022, từ giữa 2023 thì đỡ hơn nhờ nghị quyết 30 của Chính phủ về thực hiện các giải pháp bảo đảm trang thiết bị y tế, nhưng nghị quyết này đã hết thời hạn thực hiện từ cuối 2023.
Từ đầu năm 2024, việc mua sắm vật tư, thiết bị y tế thực hiện theo Luật Đấu thầu nhưng đến 27/2 vừa rồi mới có Nghị định 24 hướng dẫn về lựa chọn nhà thầu. Nghị định này được ví sẽ "đánh tan những cục máu đông" trong mua sắm vật tư y tế, nhưng hiện đã là giữa tháng 3, việc mua sắm vật tư y tế như vậy là đã tắc nghẽn sắp ba tháng.
Giám đốc một bệnh viện lớn ở Hà Nội chia sẻ trong lúc khó khăn này, bệnh viện đang áp dụng những quy định sẵn có có thể áp dụng được, như mua sắm những gói thầu trị giá dưới 50 triệu đồng thì không phải đấu thầu. "Nhưng bệnh viện chúng tôi lớn nên ngay cả găng tay phẫu thuật cũng phải dùng rất nhiều, mua 50 triệu đồng găng tay chỉ dùng được ít ngày", vị này than.
Một đại diện bệnh viện khác cho biết trước tháng 9/2023, từ chỗ mỗi ngày phẫu thuật cho 300 bệnh nhân, bệnh viện chỉ còn mổ dưới 20 ca/ngày, có thời điểm đóng cửa phòng mổ vì không có vật tư, bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật đều phải chuyển bệnh viện tư.
Từ tháng 9/2023 đến nay đã mua sắm được dần, ít phải chuyển bệnh nhân hơn nhưng hiện vẫn còn một số vật tư bị thiếu, như vật tư phục vụ phẫu thuật đặt ống silicon lệ quản vẫn phải mua gói dưới 50 triệu đồng/lần; hay vật tư phục vụ phẫu thuật điều trị cận thị thì vẫn phải chờ...
Nghị định 24 được đánh giá sẽ giải quyết được những vướng mắc hiện hữu trong đấu thầu mua sắm vật tư y tế. Bởi khác với các lĩnh vực khác có nhiều nhà cung cấp, lĩnh vực y tế có nhiều vật tư, thuốc, thiết bị thuộc diện độc quyền, chỉ có một nhà cung cấp, nếu "bó" sẽ khó khăn trong mua sắm, đấu thầu, từ đó sẽ khó khăn cho bệnh nhân.
Đã có luật, nghị định, Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố và bệnh viện nhanh chóng triển khai mua sắm vật tư, không thể để tình trạng người bệnh đến bệnh viện cấp cứu mà phải chuyển viện vì không đủ vật tư phục vụ ca mổ.
Đầu tư mạnh cho tương lai với sáu bệnh viện tầm cỡ quốc tế, nhưng phải nhanh chóng giải quyết khó khăn trước mắt và gỡ khó cho người bệnh.