Công chức "ăn bẩn" bị trừng trị đích đáng
Những hành vi phạm tội, vi phạm đạo đức công vụ của Trương Văn Đạt ăn quỵt tiền thờ cúng liệt sĩ hay Nguyễn Ngọc Đường tiếp tay cho tội phạm "xã hội đen" đã bị trừng trị đích đáng.
Sáng 25/1, Toà án Nhân dân huyện Thanh Miện (Hải Dương) xét xử sơ thẩm, tuyên phạt 8 năm tù với đối tượng Trương Văn Đạt (sinh năm 1982, trú tại xã Lam Sơn, Thanh Miện) về tội tham ô tài sản.
Trương Văn Đạt từng là công chức phụ trách công tác thương binh - xã hội xã Lam Sơn, được giao nhiệm vụ cấp phát tiền trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, một khoản tiền mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, vì lòng tham và để chi tiêu cá nhân, Đạt đã chiếm đoạt 172,2 triệu đồng của 118 người thờ cúng 123 liệt sĩ, gây bức xúc trong dư luận.
Trước đó, dư luận tỉnh nhà cũng bất bình, bức xúc trước sự việc đối tượng Nguyễn Ngọc Đường, Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay cho tội phạm, gây rối trật tự công cộng, cản trở người dân mua hồ sơ tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Hành vi của Đường đã làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Ngày 20/6/2023, cùng với tuyên án nhiều đối tượng khác, Tòa án Nhân dân huyện Cẩm Giàng tuyên phạt Nguyễn Ngọc Đường 40 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Vụ án Trương Văn Đạt và Nguyễn Ngọc Đường là những điển hình cho thấy sự trắng trợn, vô đạo đức của một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức cố tình, ngang nhiên vi phạm pháp luật và đạo đức công vụ, chà đạp những giá trị tốt đẹp của con người. Thời gian qua, trong cả nước, nhiều cán bộ từ cơ sở đến cấp cao đã bị vào tù bởi tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước và quyền lợi của nhân dân. Đọc những thông tin cán bộ này bị bắt, ra tòa xét xử, đảng viên kia bị kỷ luật khiến nhiều người đau xót.
Đông đảo cán bộ, nhân dân đều đồng tình với sự trừng trị của Đảng, Nhà nước đối với những cán bộ suy thoái, vi phạm pháp luật, đạo đức. Những cán bộ, công chức đó lẽ ra phải làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, nêu gương trong công việc nhưng lại làm ngược lại, làm xấu hình ảnh cán bộ, công chức.
Nhưng những trường hợp trên chỉ là một bộ phận nhỏ, như “con sâu làm rầu nồi canh”. Vẫn còn đó phần lớn cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên hết lòng vì công việc, luôn gương mẫu, cố gắng vì nước, vì dân.
Việc phòng ngừa từ gốc và chống tình trạng suy thoái đạo đức, vi phạm pháp luật, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên là một yêu cầu cấp thiết, đã được Đảng, Nhà nước ta kiên trì thực hiện từ nhiều năm nay với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh, mang lại những hiệu quả to lớn, góp phần cảnh tỉnh, răn đe những người vi phạm và có ý định vi phạm. Đây là những tín hiệu đáng mừng.
Để răn đe, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này, cần tiếp tục có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự giám sát chặt chẽ của nhân dân và sự phối hợp của các cơ quan chức năng. Các cấp, ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên về pháp luật, đạo đức nghề nghiệp. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia giám sát, phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ. Đẩy mạnh cải cách tiền lương, tiền công. Mỗi cán bộ, công chức, đảng viên phải luôn ý thức được trách nhiệm của mình, nêu gương trong mọi việc, thực hiện nghiêm pháp luật, các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, không để lòng tham cá nhân chi phối.