Nông nghiệp - Nông thôn

Vượt khó nhờ dự án ARISE

THANH HÀ 27/01/2024 15:30

Với đồng vốn từ dự án tăng cường năng lực phục hồi của các hộ nông dân trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (dự án ARISE) do Hội Nông dân châu Á phát triển bền vững hỗ trợ năm 2023, một số nông dân ở Hải Dương đã vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế.

z5103557828168_239b0f8c0d9e79f5752d7460246f52d4.jpg
Chị Tăng Thị Duyên ở thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) dùng nguồn vốn được vay để nuôi thả cá

Hỗ trợ kịp thời

Chị Tăng Thị Duyên ở thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu (Gia Lộc) nhớ mãi khi vừa qua dịch Covid-19, cá khó tiêu thụ, giá bán thấp trong khi giá thức ăn, lãi suất tiền vay ngân hàng đều ở mức cao. Đúng lúc này, chị cùng 9 hộ khác trong thôn được Hội Nông dân châu Á cho vay 150 triệu đồng mua cám, thức ăn cho cá. Chị Duyên cho biết nếu mua chịu thì giá thức ăn khá cao, còn trả tiền ngay thì giá thấp hơn chút ít và nông dân mới có lãi. “Nếu không có nguồn vốn này, chắc chắn nhiều gia đình sẽ không thể tiếp tục chăn nuôi. Ở thời điểm khó khăn, dù số tiền vay không nhiều song rất quý", chị Duyên nói.

Cũng như chị Duyên, những hộ được vay vốn từ dự án ARISE đều cảm thấy đồng vốn hỗ trợ đúng thời điểm nên có ý nghĩa rất lớn. Anh Lê Thạc Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) cũng là thành viên được vay vốn từ dự án cho biết có được vốn vay của dự án, anh cùng một số hộ khác mua vật tư phân bón, cây rau giống làm nhiều đợt, tiếp tục duy trì sản xuất. "Số tiền này chúng tôi trả trực tiếp cho đơn vị cung ứng vật tư nên bà con yên tâm sản xuất, không lo lắng về nguồn con giống, phân bón nữa", anh Bình nói.

Quản lý chặt chẽ

z5103558583284_79f7ffeb9c893aca54428c98bb04884c.jpg
Các hộ dân mong muốn được tăng số tiền và thời gian để việc sử dụng vốn hiệu quả hơn

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực chưa từng có và nhiều nông dân bị ảnh hưởng nặng nề. Dự án ARISE được thiết kế nhằm hỗ trợ nông dân và người sản xuất ở nông thôn, đặc biệt là nông dân sản xuất nhỏ, nhóm người dễ bị tổn thương thông qua cung cấp các dịch vụ liên quan. Sau khi khảo sát nhu cầu thực tế của nông dân Hải Dương, Hội Nông dân châu Á đã cho 115 hộ thuộc 9 tổ hội, chi hội nghề nghiệp của các xã Yết Kiêu, Đoàn Thượng, Gia Lương, Đức Xương, Đồng Quang (Gia Lộc) và xã Nam Hồng (Nam Sách) vay 1,58 tỷ đồng để mua thức ăn chăn nuôi, phân bón, con giống...

Ông Phạm Đức Hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho biết để thực hiện dự án, Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở rà soát chặt chẽ các hộ được vay vốn xem họ có đủ điều kiện theo quy định của dự án hay không. Sau khi có danh sách đưa lên, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục kiểm tra trực tiếp từng hộ và phê duyệt dự án. Trong quá trình sử dụng vốn, Ban Quản lý dự án Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân châu Á phát triển bền vững tiếp tục kiểm tra trực tiếp và đề nghị Hội Nông dân tỉnh kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các hộ. "Nhìn chung, quy trình thẩm định thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng người có nhu cầu được vay vốn. Các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích và hoàn trả vốn theo quy định. Đây là dự án hiệu quả, thiết thực với nông dân", ông Hội nói.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều hộ dân được vay vốn thì số vốn vay còn thấp, thời gian vay chưa được lâu nên nông dân chưa yên tâm sản xuất. "Chúng tôi mong muốn tiếp tục được vay vốn và tăng thời gian vay để nông dân sử dụng vốn được hiệu quả hơn nữa. Thời gian vay trong vòng 1 năm hơi ngắn, nông dân vừa phục hồi sản xuất xong đã phải trả vốn ngay nên nhiều hộ không có vốn sản xuất" chị Trần Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hồng (Nam Sách) đề nghị.

THANH HÀ