Vì sao trường đại học vẫn muốn thuộc bộ chủ quản?
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng có quá nhiều bộ, ngành quản lý khiến hệ thống giáo dục đại học bị phân mảnh. Trong khi đó, trường đại học nói có lợi khi thuộc bộ chủ quản.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hiện nay khá phức tạp với nhiều mô hình quản trị, quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học.
Hiện nay có 25 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 23 địa phương quản lý trực tiếp 137 cơ sở giáo dục đại học công lập đầu mối.
Quản lý chồng chéo
Bên cạnh có nhiều bộ ngành chủ quản, việc quản lý các trường cùng nhóm ngành cũng khá chồng chéo. Đơn cử là khối trường sức khỏe.
Hầu hết các trường chuyên đào tạo khối ngành sức khỏe (không tính các trường, khoa thuộc các đại học quốc gia và đại học vùng) đều trực thuộc Bộ Y tế.
Ngoài ra còn có hai trường không thuộc Bộ Y tế là Trường Đại học Y khoa Vinh trực thuộc UBND tỉnh Nghệ An, và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh.
Tương tự, cả nước hiện có 6 trường đại học sư phạm kỹ thuật. Tuy nhiên, ba trong số này trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là Sư phạm kỹ thuật Nam Định, Vinh và Vĩnh Long.
Ba trường Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) và Hưng Yên trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tương tự, cùng đào tạo luật nhưng Trường Đại học Luật Hà Nội trực thuộc Bộ Tư pháp, trong khi Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng bên cạnh vấn đề phát sinh về bộ máy tổ chức và biên chế thì sự quan tâm, cách thức quản lý của các cơ quan đối với các cơ sở giáo dục đại học cũng chưa có sự thống nhất, đồng bộ.
Việc phân bổ ngân sách nhà nước thông qua cơ quan quản lý trực tiếp cũng khó bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng dựa trên năng lực và kết quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh những phát sinh về bộ máy tổ chức và biên chế thì sự quan tâm, cách thức quản lý, phân bổ ngân sách, ông Lê Đông Phương - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - nhận định "với hàng chục cơ quan quản lý, việc sắp xếp, thu gọn, sáp nhập trường đại học sẽ khó khăn do bên nào cũng có các quyền lợi liên quan".
Trường đại học nói có nhiều cái lợi
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, đại diện nhiều trường đại học cho rằng không có nhiều vấn đề khi thuộc bộ chủ quản, thậm chí được hưởng nhiều cái lợi hơn.
Đại diện một trường đại học tự chủ thường xuyên và đầu tư cho biết ngoại trừ bộ chủ quản công nhận hội đồng trường, hiệu trưởng, những vấn đề khác trường chủ động. Không có chuyện "một cổ hai tròng" như nhiều người nghĩ.
Tương tự, hiệu trưởng một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh cho biết bộ chủ quản đã hỗ trợ, giới thiệu cho trường nhiều mối quan hệ, đối tác cũng như đất đai.
Vị này cho hay nhờ bộ giới thiệu mà trường có những dự án, đối tác quan trọng. Ngoài ra, bộ cũng có quỹ đất để hỗ trợ trường mở rộng cơ sở, kết nối doanh nghiệp lớn đầu tư cơ sở thực hành.
"Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyên lĩnh vực giáo dục quản lý cả trăm trường và thường không có quỹ đất.
Trong khi đó, các bộ quản lý lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thường có quỹ đất riêng, nguồn tài chính cho công tác đào tạo bồi dưỡng, nên khi cần thiết có thể hỗ trợ các trường. Nuôi ít con sẽ có sự chăm lo tốt hơn" - vị này ví von.
Giúp trường đại học hạn chế sai sót
Ở khía cạnh quản lý, hiệu trưởng một trường đại học tự chủ một phần cho rằng có thêm người giám sát sẽ hạn chế sai sót trong điều hành, hoạt động của trường.
Ông này cho biết hiện nhiều vấn đề cơ quan chủ quản duyệt trường mới được thực hiện, kể cả chỉ tiêu tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, cần thiết có bộ chủ quản quản lý chuyên sâu bên cạnh Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chuyên môn.
"Có nhiều kênh giám sát, phát hiện, cả cảnh báo sớm những vấn đề phát sinh sẽ tốt cho trường đại học. Nhiều bộ hậu kiểm sẽ hạn chế tối đa các sai sót. Việc duyệt chỉ tiêu tuyển dụng nhân sự yêu cầu trường làm đúng, đủ, chính xác hơn.
Thực tế có nhiều trường công có số lượng nhân sự rất lớn, làm việc kém hiệu quả, cảm giác dư thừa gây tốn kém ngân sách" - ông nói.