Đất và người xứ Đông

Vóc dáng Thành Đông qua những tấm bản đồ

BẢO ANH 28/01/2024 06:00

Những tấm bản đồ cũ có thể cho chúng ta thấy vóc dáng của Thành Đông xưa, TP Hải Dương nay qua 220 năm phát triển.

z5098428328955_fead6d8c65befad951c9b9a7389d2fec.jpg
Sơ đồ Thành Đông năm 1804 (ảnh tư liệu)

Thuở ban đầu

TP Hải Dương đã trải qua 220 năm phát triển kể từ khi trấn sở Hải Dương di chuyển từ Mao Điền (Cẩm Giàng) về vị trí đô thị trung tâm, trái tim của tỉnh ngày nay.

Tấm bản đồ nào khắc họa không gian Thành Đông thuở ban đầu? Đi tìm câu trả lời cho băn khoăn đó của mình, tôi được nhiều người chỉ đến “pho sử sống” của Thành Đông - ông Phạm Quý Mùi, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị TP Hải Dương. Ông cũng được nhiều người gọi là người viết sử của Thành Đông.

Mở cuốn Lịch sử thị xã Hải Dương do ông chủ biên cách đây tròn 30 năm, ông Mùi giới thiệu cho chúng tôi sơ đồ Thành Đông năm 1804. Theo ông Mùi có thể coi đây là tấm bản đồ đầu tiên thể hiện rõ nét sự ra đời và hình thành của Thành Đông thuở ban đầu. Sơ đồ Thành Đông 1804 có hình lục giác đều. Trung tâm của Thành Đông khi đó được xác định là khu vực Nhà máy Xay trước đây (nay là khu vực đường Hoàng Hoa Thám). Trên sơ đồ ghi rõ Thành Đông có chu vi khoảng 551 trượng (đơn vị đo xưa), tương đương với 2.204 m ngày nay. Thành cao 1 trượng, 1 thước, 2 tấc (khoảng 4,48 m) với tổng diện tích khoảng 35 ha.

z5098388623390_a1e1aa901acd6b0ac9c357a7a3e0480e.jpg
Ông Phạm Quý Mùi đã sưu tầm và lưu giữ nhiều bản đồ quý về Thành Đông xưa, Hải Dương nay

Lý giải vì sao trên sơ đồ Thành Đông năm 1804 có hình lục giác, theo ông Mùi đây là thiết kế của kỹ sư VauBan người Pháp, kiểu thành phòng ngự thịnh hành và rất hiệu quả tại châu Âu thế kỷ XVII, XIII. Đây cũng là nét riêng của Thành Đông so với nhiều nơi khác trong cả nước cùng thời.

Tấm sơ đồ tuy đơn giản nhưng khắc họa rất rõ dáng hình của Thành Đông xưa với không gian thành nội hình lục giác và bao quanh là hào sâu. Hào thành nối với sông Kẻ Sặt và sông Hàn Giang (nay là sông Thái Bình). Đây chính là đường tiếp tế lương thực và vũ khí cho quan quân trong thành. Thành nội kết nối với bên ngoài qua 4 cửa: đông, tây, nam, bắc. Từ trong thành muốn đi ra ngoài phải qua 4 cây cầu bằng gạch xây kiểu vòm cuốn bắc qua hào thành.

Theo ông Mùi, qua sơ đồ có thể thấy Thành Đông thuở ban đầu chỉ là một trung tâm hành chính, quân sự. Điều này được thể hiện rõ ở 35 mục được ghi chú trên sơ đồ gồm Dinh Tổng Đốc, Sở Bố chánh, Sở Lãnh binh và nhiều kho vũ khí, lương thực, tiền, muối và có cả khu ngục thất… Theo các tài liệu ghi chép được thì trong thành khi đó có khoảng 3 cơ binh với khoảng 1.000 người gồm cả quan và quân, chưa có cư dân sinh sống.

Được coi là phên dậu phía đông của Kinh thành Thăng Long nên ngót hơn một thế kỷ chấp chính triều đình nhà Nguyễn đã không ngừng củng cố Thành Đông thành một pháo đài quân sự vững mạnh. Sau này, Thành Đông có thêm sự xuất hiện của khu phố Đông Kiều. Đây là khu tập trung của những tiểu thương, thợ thủ công. Họ tập trung về gần khu vực Thành Đông để làm ăn, buôn bán, sản xuất ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu của quan lại, binh lính trong thành. Dần dần một khu dân cư đông đúc được hình thành ngay cạnh Thành Đông. Khu vực Đông Kiều phố được thể hiện ở bản đồ TP Hải Dương năm 1923 sau này.

Không ngừng mở rộng và phát triển

Một Thành Đông mở rộng và mang dáng dấp đô thị dần được hình thành dưới thời Pháp cai trị.

Ngày 19/8/1883, quân Pháp đánh chiếm Thành Đông. Ngày 24/11/1884, Công sứ Omoáto ký bản đầu tiên về cảnh sát và giao thông đô thị nhưng giới hạn không gian đô thị Thành Đông ngày đó vẫn chưa được xác định cụ thể. 9 năm sau khi chiếm Thành Đông, ngày 8/11/1892, toàn quyền Đông Dương De Lanessan mới ký nghị định quy định đô thị bao gồm toàn bộ thành cổ, khu Đông Kiều phố và một số vùng nông thôn xung quanh sông Thái Bình và sông Kẻ Sặt. Đây là địa giới hành chính đầu tiên và cũng là thời điểm địa giới đô thị Hải Dương được xác định cụ thể trên bản đồ TP Hải Dương năm 1923. Trên bản đồ này, TP Hải Dương đã tách hẳn khỏi địa giới của trấn Cẩm Giàng (nay là huyện Cẩm Giàng). Đây là cơ sở để ngày 12/12/1923, Toàn quyền Đông Dương M.Merlin ban hành nghị định thành lập TP Hải Dương. TP Hải Dương được thành lập đã mở ra cơ hội phát triển cho đô thị Hải Dương lúc bấy giờ.

z5098481798314_3fd06a2d4150025234e029ce47df5320.jpg
Bản đồ TP Hải Dương năm 1923 cho thấy cấu trúc đô thị cổ ban đầu đã bị phá vỡ và từng bước được thay thế bằng không gian đô thị kiểu Pháp

Theo bản đồ TP Hải Dương năm 1923, thành phố đã được phân thành 11 khu bao gồm: Đông Mỹ, Đông Thuần, Đông Kiều, Đông Môn, Đông Quan, Đông Thị, Đông Giàng, Đông Hòa, Cựu Thành, Hàn Giang và Tự Tân. Theo cuốn Lịch sử thị xã Hải Dương xuất bản năm 1994, sau khi thành lập TP Hải Dương hoạt động xây dựng và quy hoạch đô thị được chính quyền đương thời đặc biệt quan tâm. Việc đo đạc địa chính được tiến hành gấp rút để phục vụ công tác quy hoạch thành phố. Tấm bản đồ năm 1923 cho thấy quy mô TP Hải Dương không ngừng được mở rộng . Thời điểm này, TP Hải Dương có hơn 6.000 người, gấp 6 lần trung tâm hành chính, quân sự năm 1804. Sau quy hoạch, các khu dân cư mới xung quanh ga Hải Dương và nhà máy rượu được hình thành. Đường xá được xây dựng rộng rãi hơn. Xung quanh thành phố cũng hình thành các bến sông với mạng lưới giao thông đường sông phát triển nối tỉnh lị với nhiều địa phương lân cận.

Qua tấm bản đồ năm 1923 có thể thấy cấu trúc đô thị cổ của Thành Đông ban đầu đã bị phá vỡ và từng bước được thay thế bằng không gian đô thị kiểu Pháp với hàng loạt các công trình kiến trúc mới. Các khu vực hành chính, quân sự, kinh tế, văn hóa được quy hoạch riêng biệt.

z5098515040437_56be5a31e07dfb726a92789511f4d334.jpg
Bản đồ TP Hải Dương năm 1927 và phương án mở rộng

Trong vòng 5 năm, từ năm 1923-1927, dự án tổng thể TP Hải Dương đã được phê duyệt và có phương án mở rộng rõ ràng. Trên tấm bản đồ TP Hải Dương năm 1927 và phương án mở rộng, toàn bộ mặt bằng thành phố được phân chia thành những lô đất vuông vắn để xây dựng cơ sở công nghiệp, thương nghiệp và các khu dân cư. Nhiều công trình mới được xây dựng như: Dinh Phó Sứ, Sở Kế toán, Nông phố Ngân hàng, Ty Đăng ký thổ trạch, Nhà máy Nước, Sở Thú y, chợ Hàn Giang mới…

Theo ghi chép trong cuốn Địa chí TP Hải Dương tập 1 xuất bản năm 2013 thời kỳ này, TP Hải Dương không chỉ được mở rộng, quy hoạch gọn gàng, khoa học mà nhiều tuyến phố còn được đầu tư nâng cấp khang trang. Cuối năm 1927 các phố: Khách, Hàng Giầy, Minh Khai, Hàng Bạc, Bắc Sơn đã được tôn cao thêm 30 cm. Dân số thành phố đã tăng lên 10.000 người.

Thời kỳ Pháp cai trị và chiếm đóng đã đặt những nền móng đầu tiên cho sự hình thành đô thị Hải Dương. Thời gian này, chính quyền bảo hộ đã 3 lần mở rộng không gian đô thị của thành phố vào các năm 1927, 1929 và 1943. Vóc dáng của thành phố cũng được thể hiện trên những tấm bản đồ còn lưu giữ vào các năm tương ứng.

z5098610580609_87d5084a5777af1d1ba312e80559fe1c.jpg
Lần mở rộng địa giới cuối cùng của TP Hải Dương dưới thời Pháp thuộc được thể hiện trên bản đồ quy hoạch và mở rộng TP Hải Dương năm 1943

Đáng chú ý, qua bản đồ quy hoạch và mở rộng TP Hải Dương năm 1943 có thể thấy không gian đô thị Hải Dương được mở rộng thêm về phía tây và tây bắc sau khi toàn quyền Đông Dương ra nghị định về việc mở rộng giới hạn TP Hải Dương ngày 9/1/1943. Đây cũng là lần mở rộng địa giới cuối cùng của TP Hải Dương dưới thời Pháp thuộc. Không gian đô thị được quy hoạch, xây dựng và hình thành thời gian này cũng là nền tảng để tạo diện mạo của TP Hải Dương ngày nay.

thanhphohaiduong-1149-1652412828.jpg
Không gian đô thị TP Hải Dương đã có nhiều thay đổi (ảnh sưu tầm)

Theo ông Phạm Quý Mùi, trải qua 220 năm phát triển, Thành Đông xưa, Hải Dương nay có rất nhiều tấm bản đồ quý nhưng đáng chú ý phải kể đến tấm bản đồ khởi thủy năm 1804, sau đó là bản đồ TP Hải Dương năm 1923 ghi dấu sự ra đời của TP Hải Dương và tấm bản đồ năm 1927 là thời điểm đầu tiên TP Hải Dương được mở rộng không gian đô thị định hướng cho sự phát triển của thành phố sau này.

"Năm 2024 là dấu mốc kỷ niệm 220 năm Thành Đông ra đời cũng là lúc chúng ta nhìn lại vóc dáng của thành phố qua hàng trăm năm. Tôi rất mong nhân dịp kỷ niệm 220 năm khởi lập Thành Đông và 70 năm ngày giải phóng thành phố, những tấm bản đồ về sự phát triển của đô thị Hải Dương từ sơ khai đến nay được trưng bày và giới thiệu tới công chúng”, ông Mùi bày tỏ.

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về sự phát triển của TP Hải Dương qua những tấm bản đồ xưa thật ý nghĩa. Đây là dịp mỗi công dân thành phố nhìn về quá khứ và hướng tới tương lai với khát vọng xuân mới phát triển vượt bậc. TP Hải Dương năng động, giàu khát vọng sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành đô thị công thương; đô thị sống khỏe; đô thị sáng tạo; đô thị đẹp thân thiện với con người; đô thị an toàn, an tâm…

BẢO ANH