Truyện ngắn

Đêm trực

ĐỖ XUÂN THU 27/01/2024 10:00

Vợ Tú hay cằn nhằn vì anh thường xuyên phải trực đêm. Nhưng đêm trực này, anh đã gặp một câu chuyện khiến anh ấm lòng.

mh-tr-ng-bhd-26.1.24(2).jpg

Khoảng 9 giờ tối thứ bảy, bác sĩ Tú đang xem một số bệnh án ở phòng trực. Bệnh viện huyện miền núi buồn tênh. Lúc chiều, khi anh tạt qua nhà, vợ anh đã cằn nhằn: “Được tối thứ bảy, lại trực! Suốt ngày ở bệnh viện. Tuần trước trực, tuần này lại trực. Bệnh viện hết người rồi hay sao mà anh trực lắm thế?”. Tú lặng im nghe vợ làu bàu. Mãi sau anh mới nói: “Tuần này anh trực thay cho cậu Hải. Nó có việc đột xuất phải về quê”. Nghe thế, vợ Tú càng bực hơn: “Anh chỉ được cái việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Thời buổi bây giờ ai chả lo vun vén cho mình. Chỉ có anh mới như thế”.

Nghe vợ nói thế, Tú bực quá. Song, anh cũng ôn tồn: “Em hay nhỉ? Cậu Hải với nhà mình xa lạ gì đâu mà em lại nói thế? Cậu ấy mà nghe được thì còn ra gì nữa. Có việc thì nó mới nhờ. Lúc này còn lúc khác chứ”. Vợ Tú vẫn không chịu: “Nhưng mà... thiếu gì người mà anh phải trực thay cho nó. Chắc ở bệnh viện vui lắm nên anh cứ kiếm cớ để đi chứ gì?”. Đến nước này thì Tú không chịu được nữa. Nhưng với bản tính hay nín nhịn, vả lại, anh biết có nói thế nào lúc này với vợ cũng không được, anh đành và vội bát cơm, khoác áo đến bệnh viện. Trong lòng anh vừa bực vừa thương vợ.

Sống với nhau hai mặt con, hơn chục năm rồi, nhiều lúc vợ chồng anh cũng hay trục trặc lắm. Mà cũng phải, lúc nào nhà cũng chỉ có hai mẹ con cô ấy thì bảo ai mà chả bực? Đứa lớn đi học ở xa, tiền đóng gạo góp, bao khoản phải chi đều trông vào gánh hàng của cô ấy chạy chợ. Còn anh, lương ba cọc ba đồng, trực đêm, trực hôm triền miên. Mấy đồng tiền trực chẳng bõ một lần đóng học cho đứa bé. Nhưng bệnh viện còn ai nữa đâu? Ngày nào cũng có người có lý do chính đáng để nghỉ trực cả. Chỉ có anh là nhà gần bệnh viện trực thay họ là hợp lý nhất. Thế là thành lệ, anh là phương án số một cho những ca trực thay.

Bệnh viện vắng tanh vắng ngắt. Số người đến thăm bệnh nhân hầu như đã về hết. Chợt có tiếng xe máy, rồi tiếng người lao xao ngoài cổng bệnh viện. Chắc lại ca cấp cứu nào chăng? Tú khoác chiếc áo blu, vội đi ra cửa phòng khám. Một người thanh niên mặc quần áo bộ đội cõng một bà tóc bạc đang ngơ ngác. Sau anh, một người đàn ông đứng tuổi tất tưởi chạy theo. Hình như, một bên tay ông ta bị cụt. Họ không có một thứ hành lý nào. Chắc bà cụ nặng lắm nên họ không kịp đem chăn màn, quần áo? Mấy cô hộ lý cùng Tú giúp họ đỡ bà cụ xuống nằm lên chiếc giường trong phòng cấp cứu. Bà cụ đang ở trạng thái mê man bất tỉnh. Người cụ còn ấm, nhưng mạch thì yếu lắm. Tú vội lấy ống nghe ra khám. Anh xoa bóp, hồi sức, tiêm trợ lực cho cụ. Vừa thao tác, anh vừa hỏi chuyện hai người đàn ông. Họ cho biết bà cụ bị người ta đạp ngã. Rất may, trên người cụ không có vết xước nào. Xương xẩu trong người cũng không bị gẫy. Cụ chỉ bị choáng.

Sau một hồi thao tác các thủ thuật, nhịp tim và mạch đập của cụ đã tốt lên. Cụ mở mắt ngơ ngác nhìn mọi người rồi lại thiếp đi. Tú ôn tồn nói: “Ổn rồi. Cụ đã tỉnh nhưng hãy còn mệt. Cứ để cho cụ nằm nghỉ, đừng ai gọi cụ nữa”. Anh thanh niên thấy thế nói với người đàn ông cụt tay: “Thôi, chú ở đây trông cụ, cháu phải xin phép về trước”. “Ừ, cháu có thể về được rồi. Chú cảm ơn cháu lắm”. Như sực nhớ ra điều gì, ông cụt tay đưa bàn tay còn lại của mình lục túi tìm ví. Ông khéo léo lấy ra tờ 20.000 đồng đưa cho anh thanh niên. “Chú gửi tiền xe cháu”. Anh thanh niên cầm tay ông ta gạt đi: “Cháu không lấy tiền. Chú cất tiền đi”. “Sao lại không lấy tiền? Xe ôm mà cháu không lấy tiền thì ăn gì?”. “Cháu không phải là xe ôm”. “Thế cháu là ai?”. Ông cụt tay ngạc nhiên hỏi lại. “Dạ! Cháu là bộ đội về phép. Đang đi thăm bạn gái thì gặp bà cụ bị nạn. Cháu đưa cụ và chú đến đây kịp thời thế là mừng rồi. Bây giờ cháu phải đi đây kẻo bạn gái cháu chờ. Lỡ hẹn với cô ấy thì chết”. Nói đoạn, anh chạy vội ra chiếc xe máy của mình, nổ máy, vù đi. Ông cụt tay đưa cánh tay còn lại của mình ra với theo vẫy vẫy. Ông ú ớ không nói thêm được một lời nào. Tú cùng mấy cô hộ lý nhìn theo anh ta. Chấm đỏ chiếc đèn hậu xe máy mờ dần rồi mất hút vào bóng đêm phố huyện.

“Bác gì ơi! Mời bác vào làm thủ tục nhập viện cho bà cụ”. Tiếng chị nhân viên y tế gọi. Ông cụt tay thoáng chút ngỡ ngàng. Ông bước vào phòng hành chính. “Bác là con trai của bà cụ?”. “Dạ! Không... À mà vâng!”, ông lúng túng. “Thế cụ nhà tên gì ạ?”. “Chị cứ ghi là Nguyễn Thị Gái”. “Sao lại là cứ ghi?”. “Thì tôi bảo chị cứ ghi là cứ ghi chứ sao?”. Chị mặc blu trắng miễn cưỡng viết. Thật kỳ cục - chị nghĩ. Đưa mẹ đi viện cấp cứu mà khai tên cho mẹ cứ ấp a ấp úng. “Cụ năm nay bao nhiêu tuổi hả bác?”. “Khoảng 68-70 gì đó?”. Lại “khoảng”? Con mà không nhớ nổi tuổi mẹ. “Cụ quê xã nào bác nhỉ? Khi cần thì báo tin cho ai?”. “Tôi... tôi… tôi không biết đâu!”. Ông cụt tay lúng túng thật sự. Cánh tay còn lại của ông xua xua trước mặt. Chị y vụ càng ngạc nhiên. Chị ôn tồn giải thích: “Bệnh nhân vào viện phải khai rõ họ tên, tuổi, địa chỉ để bệnh viện chúng tôi quản lý theo dõi. Hồ sơ bệnh án phải ghi đủ các thông số đó. Đồng thời, phải nộp trước một khoản tiền viện phí nữa? Hay bác chỉ là người làng đưa bà cụ tới đây?”. “Vâng. Gần đúng như thế chị ạ. Tôi không biết gì về bà cụ đâu”. Ông cụt tay thành thực trả lời. Tú và mọi người ngạc nhiên quá. Anh đang định hỏi thêm thì lại có tiếng ồn ào ngoài cổng. Lại ca cấp cứu nào nữa đây?

“Mẹ. Mẹ tôi đâu? Mẹ có làm sao không?”. Lại một người đàn ông nữa trạc tuổi với ông cụt tay cuống cuồng chạy hỏi mọi người. Theo sau ông có đến bốn, năm người, cả nam lẫn nữ tay xách nách mang bao thứ đồ đạc hành lý. Tất cả đang tụ tập đứng trước cửa phòng cấp cứu. Thấy lạ, Tú ra chào hỏi họ. Chợt, người đàn ông mới đến nhìn thấy bà cụ đang nằm trên giường bệnh. Ông ta chạy đến lay gọi cụ. Cụ thức giấc, mở mắt ngơ ngác nhìn. Tú phải bảo họ dãn ra để cho cụ nghỉ.

Bên ngoài, mọi người bàn tán xôn xao. “May quá, hôm nay không có bà cụ mách bảo và anh con trai của cụ đuổi bắt mấy thằng ăn cắp thì tôi đã mất cả chục triệu đồng rồi”. “Cả cái bác gì thương binh nữa. Tưởng bác ấy cụt tay chậm chạp thế mà nhanh đáo để”. “Lúc cái thằng móc túi đạp bà cụ chạy, tôi ú ớ không nói được gì nữa. Đến khi bác con trai của cụ đuổi theo bọn nó, tôi mới kịp hoàn hồn”. “Nhìn cụ nằm bất tỉnh, tôi lóng ngóng chẳng biết làm gì cả. Thế mà bác cụt tay đã kịp bế xốc cụ lên, bắt xe đi rồi”. “May mà lúc đó có anh xe ôm vừa đi đến, không thì...”.

Câu chuyện cứ râm ran. Chắp nối những câu thoại của số người nọ, Tú đã hiểu ra sự việc. Thì ra, tất cả những người kia đều là khách thập phương. Họ đang chờ tàu ngoài ga. Lợi dụng cảnh hành khách nhốn nháo, bọn kẻ cắp hoạt động. Mấy người nhìn thấy chúng móc túi nhưng quay đi làm ngơ. Chỉ có bà cụ đây đã hô hoán kêu lên. Chính cái ông nói oang oang lúc nãy là nạn nhân. Khi ông quay lại kịp giữ được chiếc ví thì đồng bọn của tên kẻ cắp đã đạp bà cụ ngã chỏng chơ ra giữa ga. Cả toán bỏ chạy hòng thoát thân. Con trai của cụ liền đuổi theo. Người trong ga nhốn nháo. Ông cụt tay đã vội bế bà cụ bắt xe ôm đưa vào viện cấp cứu. Và họ đã gặp anh bộ đội tốt bụng vừa rồi. Mọi người ở ga bủa ra vây bắt. Chính con trai bà cụ đã bắt được tên kẻ cắp giao cho công an... Họ kéo cả vào đây. Người bị mất tiền tìm đến ân nhân. Vợ ông cụt tay (chính là người thương binh đưa cụ vào viện) chạy tìm chồng. Con trai thì tìm mẹ. Một số người khác cùng đi cảm kích trước việc làm của mẹ con cụ cũng kéo vào hỏi thăm.

Hai tay ông con trai của cụ nắm chặt lấy bàn tay còn lại của ông thương binh lắc mãi: “Cảm ơn bác đã kịp thời đưa mẹ tôi vào bệnh viện”. “Có gì đâu bác. Chuyện thường ngày ấy mà”. Chị nhân viên y tế mời họ vào phòng để hoàn chỉnh bệnh án.

“Bác đây là con trai của cụ?”. Chị hỏi người đàn ông mới đến. “Không. Tôi chỉ là hàng xóm thôi”. Chị y vụ nhìn tỏ vẻ ngạc nhiên. Ông ta ôn tồn giải thích: “Vâng, tôi là hàng xóm của cụ, là đồng đội của con trai duy nhất của cụ. Cụ không còn ai thân thích cả. Người con trai duy nhất của cụ đã nằm lại ở chiến trường. Chồng của cụ đã hy sinh từ thời chống Pháp. Cụ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Họ hàng thân thích của cụ chẳng còn ai. Nhà tôi ở gần nhà cụ nên sớm tối tôi chăm sóc trông nom cụ, coi cụ như mẹ đẻ. Sắp đến Tết, cụ càng nhớ con. Cụ nằng nặc đòi tôi đưa vào Trường Sơn tìm mộ con trai. Mơ ước lớn nhất của cụ là đưa được hài cốt của con về với chồng tại nghĩa trang quê nhà. Cụ bảo tôi nếu được thế thì cụ nhắm mắt cũng yên lòng. Thế là dù đang bận, tôi đành nghỉ để đưa cụ đi. Ai ngờ đến cái ga này lại xảy ra sự việc rắc rối thế. May mà có các bác, các anh, không thì bà con tôi chẳng biết làm gì”.

Mọi người lặng yên nghe người đàn ông kia nói. Mỗi người đều theo đuổi những suy nghĩ riêng của mình. Trong không khí giá lạnh của mùa đông, nghe câu chuyện của người đàn ông nọ và trước những việc làm tốt đẹp của họ, Tú không còn cảm thấy lạnh giá nữa. Lòng anh như reo vui. Vợ ơi, thấy không? Cuộc đời này còn nhiều điều tốt đẹp lắm. Mắt Tú ngời lên nhìn mọi người và lâng lâng nghĩ tới người vợ bé nhỏ yêu thương của mình.

Ở phòng cấp cứu, bà cụ cũng đang tỉnh dần...

ĐỖ XUÂN THU