“Nhân ái giao thông” và hành trình viết tiếp giấc mơ dang dở
5 năm qua, chương trình “Nhân ái giao thông” trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp, các tổ chức xã hội với nạn nhân tai nạn giao thông hoàn cảnh khó khăn, góp phần xoa dịu nỗi đau cho nhiều người.
Năm 2015, vụ tai nạn giao thông xảy ra chiều mùng 5 Tết đã khiến cháu Phạm Thị Hà, sinh năm 2009, ở phường Hoàng Tân (Chí Linh) khi ấy mới 6 tuổi cùng lúc mất đi bố, mẹ và chị gái. Nỗi đau quá lớn và bất ngờ, xót người ra đi bao nhiêu thì ông bà của cháu Hà lại thương đứa trẻ bé bỏng, tội nghiệp bấy nhiêu. Ông bà của Hà đã tuổi cao, sức yếu nên điều khiến họ lo lắng nhất là tương lai của đứa cháu nhỏ sẽ ra sao?
Nỗi lo ấy đã vơi đi phần nào khi chương trình “ Nhân ái giao thông” đến động viên, chia sẻ với gia đình. Cháu Hà là nhân vật của chương trình “Nhân ái giao thông” số đầu tiên phát sóng tháng 3/2018. Đồng thời, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông đã giao Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1 mỗi tháng hỗ trợ cháu Hà 2 triệu đồng để chi phí trong học tập và sinh hoạt đến khi cháu học hết lớp 12.
Sự động viên kịp thời đã giúp cháu Hà vượt lên nỗi đau, cố gắng học tập tốt. Tại cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 năm học 2023-2024 cấp tỉnh vừa qua, cháu Hà đoạt giải nhì môn lịch sử. “5 năm qua, nhờ có sự giúp đỡ của Chương trình "Nhân ái giao thông" và Đội Cảnh sát giao thông số 1 cháu mới có thể vươn lên được trong học tập. Cháu rất cảm ơn chương trình và các cô chú cảnh sát giao thông”, cháu Phạm Thị Hà bày tỏ.
Chị Vũ Thị Phượng, sinh năm 1984, ở xã Văn Hội (Ninh Giang) là nhân vật trong chương trình "Nhân ái giao thông" số 41. Tháng 10/2023, khi đi trên đường tỉnh 392B, thuộc huyện Thanh Miện, chị Phương bị xe tải chở cát đi cùng chiều gây tai nạn. Chị phải tháo khớp chân, từ một người khỏe mạnh lành lặn, chị phải mang thương tật suốt đời.
Cuộc sống của bà mẹ đơn thân với 2 đứa con còn nhỏ vốn đã khó khăn, vất vả. Tai nạn lần này xảy ra với chị Phượng gây ra cú sốc lớn cả về vật chất và tinh thần. Chị Phượng chỉ biết tự động viên mình cố gắng vượt qua để trở thành chỗ dựa cho các con, bởi nếu chị gục ngã các con của chị sẽ không biết bấu víu vào đâu. Số tiền hỗ trợ 15 triệu đồng từ chương trình “Nhân ái giao thông” giúp chị Phượng trang trải việc học hành của các con, phần nào chia sẻ những khó khăn trước mắt của gia đình.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều nạn nhân tai nạn giao thông nhận hỗ trợ từ chương trình "Nhân ái giao thông". Sự chia sẻ, hỗ trợ đó là món quà về tinh thần, vật chất, tiếp thêm nghị lực cho các gia đình nạn nhân vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều nạn nhân tai nạn giao thông nhờ vào số tiền hỗ trợ đã điều trị chấn thương, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Chương trình truyền hình thực tế “Nhân ái giao thông” do Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương phối hợp Công an tỉnh, nhà tài trợ Công ty TNHH Long Hải tổ chức từ năm 2018. Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã phát sóng 312 số, nhiều nạn nhân đã được giúp đỡ, chia sẻ về chật chất, tinh thần với tổng số tiền hỗ trợ 7,8 tỷ đồng.
Ngoài ý nghĩa về tính nhân văn, tinh thần “tương thân tương ái” giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, từ những câu chuyện về tai nạn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông phân tích các tình huống, hướng dẫn mọi người tham gia giao thông chấp hành đúng luật và xử lý tình huống linh hoạt hơn, góp phần nâng cao ý thức của mọi người về chấp hành tốt pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông. Từ sự đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, khán giả của chương trình thấy rõ hệ lụy từ tai nạn giao thông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến từng gia đình, mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng.
Là người trực tiếp thực hiện các số nhân ái giao thông, nhà báo Hoàng Vân, Đài Phát thanh – Truyền hình Hải Dương chia sẻ: “Ê kíp thực hiện chương trình đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Trong quá trình thực hiện cũng có một số khó khăn như chương trình phải thực hiện tại từng gia đình, hầu hết các công việc đều được tiến hành ngoài trời, thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa bất thường. Có những ngày nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C, có những ngày mưa đang sản xuất phải dừng lại giữa chừng… Ê kíp tổ chức thực hiện đã khắc phục khó khăn phối hợp sản xuất, phát sóng theo đúng kế hoạch và mục đích, yêu cầu đề ra”.
Có thể khẳng định “Nhân ái giao thông” là chương trình truyền hình thực tế nhân đạo có tính chất nhân văn cao, mang đậm màu sắc giáo dục xây dựng văn hóa giao thông.