Mỹ, Anh giáng đòn tấn công mới nhất vào 8 mục tiêu của Houthi ở Yemen
Trong một bản tin phát đi vào sáng 23/1, Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết tối hôm trước đã cùng Lực lượng Vũ trang Vương quốc Anh tấn công vào 8 mục tiêu của Houthi tại Yemen.
Theo CENTCOM, các cuộc tấn công này nhận được sự hỗ trợ của 4 nước, gồm Australia, Bahrain, Canada và Hà Lan, là một phần trong các nỗ lực quốc tế đang diễn ra nhằm ứng phó với các hoạt động bất hợp pháp và gây bất ổn gia tăng của Houthi trong khu vực.
CENTCOM cho biết thêm các cuộc tấn công của liên minh đa phương này nhắm vào các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen, nơi thường được sử dụng để tấn công các tàu thương mại quốc tế và tàu Hải quân Mỹ trong khu vực.
Các mục tiêu đó bao gồm hệ thống tên lửa và bệ phóng, hệ thống phòng không, radar và các cơ sở lưu trữ vũ khí nằm sâu dưới lòng đất.
Những cuộc tấn công này nhằm làm suy giảm khả năng của Houthi trong việc tiếp tục các cuộc tấn công liều lĩnh và bất hợp pháp vào các tàu của Mỹ và Anh cũng như tàu vận tải thương mại quốc tế ở Biển Đỏ, Eo biển Bab Al-Mandeb và Vịnh Aden.
Theo CENTCOM, những cuộc tấn công này tách biệt và khác biệt với các hoạt động tự do hàng hải đa quốc gia được thực hiện trong Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng.
Houthi là lực lượng kiểm soát những khu vực đông dân nhất ở Yemen. Sau khi xung đột Israel – Hamas bùng nổ, từ ngày 19/11/2023, Houthi đã tấn công các tàu thương mại và cả tàu quân sự trong khu vực mà họ cho rằng có liên quan đến Israel.
Các cuộc tấn công của Houthi đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về lạm phát toàn cầu, đồng thời làm tăng thêm mối lo ngại rằng hậu quả từ cuộc chiến Israel-Hamas có thể gây bất ổn ở Trung Đông.
Trong tháng, liên minh đa phương đã thực hiện nhiều đợt tấn công, nhưng chưa thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào tàu thuyền đi qua Biển Đỏ. Thậm chí, Houthi còn mở rộng mục tiêu sang bao gồm các tàu liên quan tới Mỹ và Anh.
Một số công ty vận tải biển lớn nhất thế giới đã đình chỉ quá cảnh trong khu vực, buộc các tàu phải đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi.