Tiểu hành tinh phát nổ trên bầu trời Berlin
Quả cầu lửa nhỏ phát nổ gần Berlin, Đức vào sáng sớm ngày 21/1. Đây là lần thứ tám các nhà khoa học phát hiện một tiểu hành tinh trước khi nó rực lửa phía trên bầu trời Trái Đất.
Rạng sáng 21/1, một tiểu hành tinh bay vút qua bầu trời và lao vào bầu khí quyển Trái Đất gần Berlin, tạo ra một quả cầu lửa sáng có thể nhìn thấy cách đó hàng km.
Những trường hợp nhìn thấy như vậy thường xảy ra vài lần trong năm, nhưng lần này nó được các nhà khoa học phát hiện khoảng 3 giờ trước khi phát nổ.
Tiểu hành tinh có tên 2024BXI, được Krisztián Sárneczky, một nhà thiên văn học tại Trạm núi Piszkéstető, một phần của Đài thiên văn Konkoly, ở Hungary phát hiện.
Ông xác định ra nó bằng kính viễn vọng Schmidt 60cm tại đài thiên văn. Ngay sau đó, NASA đã đưa ra dự đoán chi tiết về địa điểm và thời điểm nó sẽ phát nổ.
"Cảnh báo: Một tiểu hành tinh nhỏ sẽ tan rã thành một quả cầu lửa vô hại ở phía tây Berlin gần Nennhausen ngay lúc 1 giờ 32 sáng (giờ địa phương). Người giám sát sẽ nhìn thấy nó rõ ràng!", NASA tweet vào đêm 20/1.
Một camera trực tiếp ở thành phố Leipzig, miền bắc nước Đức đã ghi lại cảnh một quả cầu lửa cực kỳ sáng, nó xuất hiện và biến mất trong khoảng vài giây.
Tiểu hành tinh có chiều rộng ước tính khoảng 1m, phát nổ cách Berlin khoảng cách 50km về phía tây. Nó "có thể đã làm rơi một số thiên thạch xuống mặt đất" trên đường đi, Denis Vida, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, cộng tác viên vật lý sao băng tại Đại học Western ở Canada, nói với Đài CBS News.
Trong một số trường hợp, các tiểu hành tinh/thiên thạch khó bị phát hiện dưới ánh sáng chói chang của Mặt Trời. Chẳng hạn như vụ nổ thiên thạch bắn ra từ hướng Mặt Trời mọc trên thành phố Chelyabinsk, Nga, vào năm 2013, làm vỡ cửa kính và khiến hơn 1.600 người bị thương.
Cơ quan vũ trụ của các chính phủ hiện đang phát triển các công nghệ mới để quét bầu trời nhằm tìm các tiểu hành tinh trước khi chúng tiếp xúc với Trái Đất.
Trong đó vệ tinh NEO Surveyor của NASA đang được lên kế hoạch phóng vào năm 2027 và vệ tinh NEOMIR của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) dự kiến sẽ được phóng sau năm 2030.
Bắt đầu từ năm 2025, Đài quan sát Vera C. Rubin ở Chile - do Quỹ Khoa học quốc gia tài trợ - dự kiến sẽ giúp ích rất nhiều cho nỗ lực săn tìm tiểu hành tinh.