Góc nhìn

Đổi tiền mới mừng tuổi, có cần không?

HOÀI ANH 23/01/2024 07:30

Đã đến lúc cần thay đổi tư duy dùng tiền mới mừng tuổi, để tránh tiếp tay cho hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch.

lixionline1_1672909099407.jpg
Hiện nhiều ngân hàng đã đưa ra ứng dụng để người dùng có thể lì xì online

Năm nào cũng thế, cứ đến gần Tết là dịch vụ nhận đổi tiền mới hưởng chênh lệch lại nhộn nhịp bất chấp quy định của pháp luật, rằng người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng; nếu tổ chức vi phạm, mức xử phạt sẽ gấp 2 lần đối với cá nhân.

Nhiều nhân viên ngân hàng cũng than thở khi dịp này bị người thân, người quen điện thoại, nhắn tin nhờ đổi tiền mới dù với họ việc này cũng không dễ vì nguồn cung hạn chế.

Vì sao câu chuyện “biết rồi, nói mãi” này cứ tái diễn năm này qua năm khác?

Thứ nhất là bởi mừng tuổi đầu năm là một phong tục, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Trước đây, người ta thường dùng tiền mệnh giá nhỏ, cố gắng chọn tiền mới chưa qua sử dụng để mừng tuổi người già và em nhỏ với mong muốn đem may mắn, tài lộc và lời chúc sức khỏe đến người nhận. Nhưng nay thì khác, loại mệnh giá nhỏ như 2.000 đồng, 5.000 đồng thường chỉ được dùng để đi lễ chùa. Tiền mừng tuổi phổ biến ở các mệnh giá 10.000, 20.000 đồng, 50.000 đồng. Nhưng cũng nhiều người dùng tiền mệnh giá lớn tới 100.000 đồng, 200.000 đồng, thậm chí cả 500.000 đồng để mừng tuổi, và tâm lý chung vẫn là muốn dùng tiền mới. Có cầu ắt có cung. Vì thế dịch vụ đổi tiền mới có đất sống.

Lý do nữa để dịch vụ đổi tiền tồn tại là dù có chế tài nhưng việc xử lý nghiêm có vẻ còn khó khăn. Với từ khóa “bị phạt do đổi tiền hưởng chênh lệch” tìm kiếm trên Google có tới hơn 2,3 triệu kết quả, song kết quả tìm kiếm hàng đầu vẫn chủ yếu là quy định về mức xử phạt chứ không phải tin tức có tổ chức, cá nhân nào đó đã bị phạt vì vi phạm quy định này.

Theo Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương, trong vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp vi phạm đổi tiền ăn chênh lệch nào có hồ sơ gửi đơn vị phối hợp xử lý.

Hiện nay, các giao dịch đổi tiền mới thực hiện chủ yếu qua mạng và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người đổi.

Vấn đề đặt ra là làm sao giảm tình trạng vi phạm này? Có ý kiến cho rằng đã đến lúc cần thay đổi quan niệm dùng tiền mới mừng tuổi. Thay vì chú trọng yếu tố dùng tiền mới hoặc phải dùng tiền mệnh giá lớn hãy tập trung vào ý nghĩa của việc mừng tuổi.

Có một cách được nhiều người tính đến là mừng tuổi không dùng tiền mặt. Hiện việc sử dụng internet banking đã khá phổ biến. Một số ngân hàng hiện nay đã ra mắt các ứng dụng cho phép người dùng gửi tiền lì xì với kèm những câu chúc, tấm thiệp có phong cách trẻ trung, vui tươi để ngày đầu năm thêm phần may mắn. Việc chuyển khoản, gửi “lì xì” online trở nên tiện dụng hơn bao giờ hết.

Với người già và trẻ em chưa dùng hoặc không dùng internet banking, tiền mừng tuổi có thể là tiền đã qua sử dụng, quan trọng là thể hiện tấm lòng “kính già, yêu trẻ”, không để tiền mừng tuổi biến tướng thành hình thức tặng quà, biếu xén trá hình.

Ngay tại các di tích, cơ sở thờ tự, hiện nhiều nơi cũng đã dán mã QR để nhận tiền công đức, cho thấy tư duy mới trong tiếp nhận tiền công đức thời đại số. Đây cũng là biện pháp giảm việc dùng tiền lẻ (mệnh giá nhỏ) và đổi tiền này để đi lễ đầu năm.

Đổi tiền ăn chênh lệch là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Để không tiếp tay cho vi phạm chúng ta cần thay đổi tư duy dùng tiền mặt, và chọn các giải pháp an toàn, thiết thực hơn.

HOÀI ANH