Sống như những đoá hoa
Chúng tôi đã gặp rất nhiều người ở Hải Dương dù hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có trái tim nhân hậu, sống chỉ biết cho đi... Họ giống như những đoá hoa dâng hương sắc cho đời.
Làm từ thiện khắp 63 tỉnh, thành phố
Tôi gặp Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Gia Lộc (Gia Lộc) Đỗ Thanh Thuỷ khi chị vừa hoàn thành chuyến đi thiện nguyện ở tỉnh Phú Yên. Công việc cuối năm bận rộn nhưng chị vẫn dành thời gian tham gia hoạt động vì cộng đồng. "Vào năm 2027, doanh nghiệp của tôi sẽ tròn 20 năm thành lập. Mục tiêu mà tôi đặt ra cho tới lúc đó là sẽ đi hết 63 tỉnh, thành phố trong cả nước để tặng quà, giúp đỡ người nghèo. Một mình tôi không thể giúp đỡ được tất cả các gia đình hoàn cảnh khó khăn, nhưng hy vọng qua việc này sẽ lan toả, khích lệ được nhiều Mạnh Thường Quân khác cùng chung tay làm việc có ích", chị Thuỷ giãi bày.
Công ty của chị Thuỷ thành lập năm 2007 tại Hà Nội, đến năm 2010 thì chuyển về hoạt động ở Hải Dương. Doanh nghiệp hoạt động khi thuận lợi, lúc khó khăn nhưng chị luôn dành nguồn lực để chia sẻ với cộng đồng. Tại Hải Dương, mỗi năm chị hỗ trợ xây một căn nhà cho hộ nghèo, tặng hàng trăm suất quà cho những gia đình khó khăn. Mỗi tháng, chị hỗ trợ 30 triệu đồng cho Phòng Chẩn trị đông y từ thiện ở chùa An Đức (xã Quảng Nghiệp, Tứ Kỳ) để khám, tư vấn, chữa bệnh cho người cao tuổi, khó khăn. Mỗi năm chị đi tới 2-5 tỉnh, thành phố để tặng quà cho hộ nghèo, mỗi nơi 100 suất quà trị giá từ 50-60 triệu đồng...
"Tôi cho đi mà không bao giờ tính toán gì nên cũng không thống kê được hết những việc đã làm. Chỉ biết tất cả là xuất phát từ tâm, cứ thấy nơi nào cần hỗ trợ, giúp đỡ là lên đường, không cần kế hoạch", chị Thuỷ chia sẻ.
12 năm miệt mài nấu cháo cho người nghèo
Người có hành động đẹp này là ông Vũ Duy Ái ở khu Trung, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang). 12 năm qua, cứ vào sáng thứ ba hằng tuần, ông Ái nấu cháo phát cho người nghèo và bệnh nhân ở Trung tâm Y tế huyện.
4 giờ sáng, trong khi hầu hết mọi người vẫn đang say giấc, ông Ái đã dậy nấu cháo và sửa soạn các dụng cụ để chuẩn bị mang tới Trung tâm Y tế huyện.
7 giờ sáng, những thùng cháo nóng hổi, thơm phức đã có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Bình Giang. Phụ giúp ông phân phát cháo tại đây, ngoài mấy người cháu ruột còn có một số tình nguyện viên. Chưa đầy 15 phút, hơn 400 suất cháo đã được phân phát hết trong niềm vui hân hoan của cả người cho lẫn người nhận. "Mỗi tháng tôi nấu khoảng 1.500 suất cháo phát miễn phí cho người dân khó khăn, bệnh nhân đang điều trị tại đây", ông Ái thông tin.
Ông Ái bắt đầu làm việc tốt trên từ năm 2010. Thời điểm đó, ông thường xuyên ốm đau, nhiều lần phải điều trị dài ngày tại một số bệnh viện ở Hà Nội. Tận mắt chứng kiến có nhiều bệnh nhân nghèo, ăn uống kham khổ, lại thấy nhiều người tốt thường xuyên mang cháo, cơm hộp đến phát cho bệnh nhân nghèo nên ông xúc động, muốn bản thân cũng có hành động tương tự. Ông bán bánh chưng, bánh dày ở chợ, tiền lãi có bao nhiêu là dành phần lớn mua thực phẩm nấu cháo. Ông làm việc âm thầm, không muốn nhờ vả ai vì sợ điều tiếng. Nhưng rồi việc tốt của ông làm nhiều người xúc động. Họ ủng hộ mua bếp điện, thực phẩm, giúp ông vận chuyển, phát cháo định kỳ.
Ngoài phát cháo, ông Ái đang trợ cấp cho 10 trường hợp khó khăn trong huyện, mỗi người 200.000 đồng/tháng. Ông cho biết sẽ tiếp tục những việc ý nghĩa này đến khi nào sức khoẻ không còn cho phép, đồng thời động viên các cháu ruột duy trì trong tương lai.
29 lần hiến máu
Mấy năm nay, gần như trong chương trình hiến máu tình nguyện nào diễn ra tại TP Hải Dương, tôi cũng thấy chị Nguyễn Thị Lý, nhân viên Trạm Y tế phường Cẩm Thượng góp mặt.
Gần nhất chị Lý hiến máu tại chương trình "Giọt hồng đoàn viên công đoàn" do Liên đoàn Lao động và Hội Chữ thập đỏ TP Hải Dương phối hợp tổ chức. Cũng giống như những lần trước đó, lần này chị vẫn hiến 350ml dù đã gần 50 tuổi. "Tôi đã có 29 lần tham gia rồi. Nhiều người, trong đó có cả đồng nghiệp khuyên nên dừng lại để bảo đảm sức khoẻ nhưng tôi vẫn thấy mình sung sức lắm", chị Lý xởi lởi.
Chị Lý lần đầu tham gia hiến máu vào năm 2005. Ban đầu chị chỉ tham gia vì phong trào chung. Về sau, qua theo dõi các chương trình thời sự, chị nhận thấy lượng máu phục vụ công tác cấp cứu tại các cơ sở y tế thường xuyên khan hiếm. Nhiều bệnh nhân nếu không được truyền máu sẽ khó có thể duy trì sự sống. Vì vậy, chị thường xuyên nắm bắt các chương trình hiến máu để đăng ký tham gia. Chị gần như chẳng bỏ qua một chương trình hiến máu nào ở TP Hải Dương. "Tôi nghiệm thấy trong cuộc sống này cứ cho đi là được hạnh phúc nhất, trước mắt là có nhiều người được giúp đỡ", chị Lý chia sẻ.
Ngoài trực tiếp hiến máu, chị Lý còn góp mặt trong nhiều chương trình hiến máu tình nguyện với vai trò là người khám sáng lọc, hỗ trợ lấy máu. "Chị Lý là một tuyên truyền viên rất tích cực, vận động được nhiều đồng nghiệp, cả em ruột và con trai nhiều lần tham gia hiến máu", bà Nguyễn Thị Mừng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Hải Dương thông tin.