Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, giấy chứng nhận nghề nghiệp giúp việc hành nghề của giáo viên thuận lợi hơn, tôn vinh nhà giáo và theo thông lệ nhiều ngành nghề khác.
Trao đổi với phóng viên ngày 20/1, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo giúp việc hành nghề, chuyển nơi làm việc thuận lợi hơn, không gây phát sinh thêm thủ tục.
- Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp vào luật?
- Ở nhiều nước, giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Đây là minh chứng một người đủ điều kiện hành nghề giáo viên.
Nhiều ngành nghề khác ở Việt Nam như luật sư, bác sĩ cũng đã có quy định về chứng chỉ hành nghề. Phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Chứng chỉ là minh chứng người đó đủ năng lực để làm công việc đó.
Đối với lĩnh vực giáo dục, hiện có đồng thời nhiều quy định về chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh giáo viên/giảng viên. Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế những cái này với các tiêu chí cụ thể. Giấy chứng nhận nghề nghiệp cũng là sự công nhận và vinh danh nhà giáo.
Do đó khi chuẩn bị xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, chúng tôi nêu vấn đề này lên để xã hội phản biện, góp ý. Chúng tôi tổ chức các hội thảo với nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Bộ lắng nghe nhiều phía, đánh giá xem có đưa điều này vào luật hay không.
Hiện nay bộ vẫn đang trong quá trình lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện để xây dựng dự thảo luật.
- Nhiều ý kiến cho rằng giấy chứng nhận nghề nghiệp như đẻ thêm một giấy phép con, gây thêm phiền hà cho giáo viên?
- Tôi khẳng định giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ được cấp theo hướng đơn giản, thuận lợi cho nhà giáo, không đòi hỏi hay phát sinh nhiều thủ tục, không thu phí.
Theo đó, những nhà giáo đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, trường chỉ cần lập danh sách và cơ quan quản lý giáo dục cấp giấy chứng nhận, không cần thủ tục gì cả.
Những người mới vào nghề hay đang tập sự thì cần làm thủ tục cấp chứng nhận. Những nhà giáo đã nghỉ hưu cũng có thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp (nếu có nhu cầu).
Giấy chứng nhận nghề nghiệp là căn cứ để xác nhận một người có đủ năng lực, kỹ năng làm giáo viên.
- Vậy nhà giáo có chứng nhận nghề nghiệp sẽ có lợi gì so với hiện nay?
- Như tôi đã nói, giấy chứng nhận nghề nghiệp là giấy xác nhận một người có đủ điều kiện để hành nghề giáo viên. Giấy này có giá trị toàn quốc nên khi chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ trường công ra trường tư, giáo viên chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận này mà không phải trải qua tập sự. Tuy nhiên, tùy cơ sở giáo dục, họ có thể sẽ có thêm kiểm tra, đánh giá.
Nhiều nước cũng thực hiện cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp cho giáo viên. Do đó khi Việt Nam thực hiện cấp giấy chứng nhận này, giáo viên có thể sẽ được công nhận hành nghề ở các nước có thỏa thuận hợp tác với Việt Nam.
Thay thế hai loại giấy tờ khác của nhà giáo
Theo ông Đức, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo.
Giấy chứng nhận nghề nghiệp thay thế quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.
Người được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp gồm người hoàn thành tập sự và đạt chuẩn nghề nghiệp; người đang là nhà giáo; nhà giáo đã nghỉ hưu (nếu có nhu cầu); nhà giáo nước ngoài đáp ứng điều kiện.
Giấy chứng nhận nghề nghiệp có giá trị toàn quốc. Nhà giáo đã được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp khi trúng tuyển vào làm nhà giáo tại cơ sở giáo dục công lập hoặc khi thuyên chuyển và ký hợp đồng tại cơ sở giáo dục khác không cần phải thực hiện chế độ tập sự.
Khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác. Việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn.
Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ.