Việc Iran, Pakistan nhắm hỏa lực vào lãnh thổ nhau tác động thế nào đến bàn cờ Trung Đông?
Hai nước láng giềng Pakistan và Iran đã tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ của nhau trong bối cảnh căng thẳng gia tăng mạnh trên khắp Trung Đông.
Lập luận của hai phía
Pakistan và Iran có biên giới trải dài khoảng 900 km, với một bên là tỉnh Balochistan của Pakistan và một bên là tỉnh Sistan và Baluchestan của Iran.
Phát súng mở đầu cho chuỗi sự kiện diễn ra nhanh chóng này bắt nguồn từ hôm 16/1 khi Iran tấn công một số mục tiêu ở Pakistan mà nước này cho rằng có liên quan đến khủng bố. Chính quyền Pakistan cho biết có 2 trẻ em thiệt mạng trong vụ tấn công.
Về phần mình, Iran khẳng định cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Jaish al-Adl ở Pakistan mà Tehran coi là khủng bố. Tehran nhấn mạnh họ chỉ nhắm mục tiêu vào những kẻ khủng bố Iran trên đất Pakistan và không có công dân Pakistan nào là mục tiêu.
Lực lượng Jaish al-Adl, còn được biết đến tại Iran với tên Jaish al-Dhulm hoạt động ở cả hai bên biên giới Iran-Pakistan. Jaish al-Adl trước đây đã nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu tại Iran. Mục tiêu của Jaish al-Adl là giành độc lập cho tỉnh Sistan và Baluchestan của Iran.
Tuy nhiên, chính phủ Pakistan đã triệu tập đại sứ nước này ở Iran về nước. Islamabad cáo buộc cuộc tấn công vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và tinh thần của quan hệ song phương giữa Pakistan và Iran đồng thời cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng.
Đến ngày 18/1, quân đội Pakistan tấn công xuyên đêm nhằm vào các mục tiêu mà nước này cho là khủng bố ở Sistan và Baluchestan.
Khi công bố về cuộc tấn công hôm 18/1, Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết đã tiêu diệt một số tay súng. Trong khi đó, Iran thông báo ít nhất 7 người đã thiệt mạng trong một loạt vụ nổ gồm 3 phụ nữ và 4 trẻ em.
Pakistan lập luận rằng trong nhiều năm họ đã phàn nàn về các chiến binh ly khai có nơi trú ẩn an toàn ở Iran do đó họ buộc phải tự giải quyết vấn đề bằng các cuộc tấn công ngày 18/1.
Liệu có leo thang căng thẳng?
Cuộc đấu tranh của Pakistan và Iran chống lại lực lượng ly khai hoạt động ở hai bên biên giới của nhau không phải là mới. Các cuộc đụng độ chết người dọc biên giới đã xảy ra thường xuyên trong nhiều năm qua. Mới tháng trước, Iran cáo buộc phiến quân Jaish al-Adl xông vào đồn cảnh sát ở Sistan và Baluchestan khiến 11 sĩ quan cảnh sát Iran thiệt mạng.
Theo CNN, điều bất thường là Iran và Pakistan tấn công các mục tiêu xuyên biên giới mà không thông báo trước cho nhau. Và tất cả những điều này đang xảy ra trong bối cảnh Israel bắn phá Gaza, gây ảnh hưởng lan rộng khắp khu vực. Iran ngày 15/1 đã phóng tên lửa đạn đạo vào các mục tiêu ở Iraq và Syria với lý do để bảo vệ chủ quyền, an ninh đồng thời chống khủng bố.
Ông Michael Kugelman tại Trung tâm Wilson (Mỹ) đánh giá việc Pakistan tấn công vào lãnh thổ Iran không gây nguy cơ leo thang căng thẳng mà còn tạo đường lui tránh khỏi diễn biến nguy hiểm hơn. Ông Kugelman cho rằng Iran và Pakistan đang có tỷ số hòa.
Đài BBC (Anh) dẫn phân tích của các chuyên gia đánh giá cuộc tấn công của Iran hôm 16/1 vào lãnh thổ Pakistan một phần chịu tác động bởi bối cảnh nhiều biến động hiện nay tại Trung Đông.
Nhưng ông Shashank Joshi tại tờ The Economist cho rằng diễn biến này không phải là hậu quả từ vụ việc ngày 7/10/2023 khiến xung đột Israel - Hamas bùng phát. Theo ông, nó liên quan đến vụ nổ kép ở thành phố Kerman của Iran hôm 3/1 với hơn 100 người thiệt mạng gần mộ của tướng quá cố Qassem Soleimani. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công này.
Các quốc gia lân cận đã lên tiếng về vụ tấn công hỏa lực vào nhau giữa Iran và Pakistan, trong đó Ấn Độ nói rằng họ "không khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố" và vụ tấn công là vấn đề giữa Iran và Pakistan. Trung Quốc kêu gọi cả hai nước kiềm chế và tránh leo thang căng thẳng hơn nữa.
Hôm 17/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller cho biết Washington đang nỗ lực ngăn chặn Trung Đông bùng phát thành xung đột toàn diện. Khi được hỏi về khả năng Pakistan trả đũa Iran, ông Miller nói: "Chúng tôi hy vọng rằng đó là vấn đề có thể được giải quyết một cách hòa bình".
Hành động đáp trả của Pakistan vào đất Iran cho thấy nước này đã quyết định phản ứng không chỉ dừng lại ở ngoại giao. Tuy nhiên, không rõ liệu Iran hay Pakistan có muốn đi vào chiến sự toàn diện chống lại các nhóm ly khai mà cả hai nước đều coi là kẻ thù hay không.
Cả hai bên đều đưa ra tuyên bố sau các cuộc tấn công ám chỉ không muốn mọi thứ leo thang. Bộ Ngoại giao Pakistan gọi Iran là “quốc gia anh em” và nhấn mạnh cần thiết phải tìm giải pháp chung. Điều đó tương đồng với quan điểm của Ngoại trưởng Iran, người đã gọi Pakistan là “quốc gia thân thiện” hồi đầu tuần và khẳng định các cuộc tấn công của Tehran chỉ nhằm vào phiến quân.