Kỳ vọng từ Lễ hội thu hoạch hành, tỏi Kinh Môn
Ngày 20/1, Lễ hội thu hoạch hành, tỏi thị xã Kinh Môn năm 2024 lần đầu tiên được tổ chức. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển bền vững cây hành, tỏi của Kinh Môn.
Cú hích
Từ nhiều năm nay, thị xã Kinh Môn là vựa hành tỏi lớn của miền Bắc với diện tích khoảng 4.000 ha. Sản lượng trung bình 100.000 tấn/năm, doanh thu 1.500 tỷ đồng/năm. Hành, tỏi là cây trồng chủ lực, đóng góp gần 60% giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản của thị xã.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ hành tỏi những năm qua không thoát khỏi cảnh "được mùa mất giá". Sản phẩm hành, tỏi thô chủ yếu được tiểu thương đưa tới các chợ dân sinh, chưa có cơ hội đến với nhiều doanh nghiệp chế biến, chế biến sâu để thành các sản phẩm có giá trị cao. Sản phẩm hành, tỏi của Kinh Môn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Do được đất đai và khí hậu ưu ái, cùng kinh nghiệm canh tác của người dân, hành, tỏi Kinh Môn có tiếng mẫu mã đẹp, củ to, chắc, vị cay và thơm. “Hành, tỏi của Kinh Môn có thể sánh ngang với các nông sản chủ lực khác của tỉnh Hải Dương như vải thiều Thanh Hà, cà rốt Cẩm Giàng nhưng thương hiệu này chưa được nhiều người biết tới”, ông Trương Đức San, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội thu hoạch hành, tỏi thị xã Kinh Môn năm 2024 cho biết.
Đó cũng là lý do vì sao Kinh Môn tổ chức lễ hội thu hoạch hành, tỏi. Lễ hội được kỳ vọng mở ra kênh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cho hành, tỏi Kinh Môn. Khi nhiều người biết tới, khâu tiêu thụ sẽ tốt hơn. Ngoài ra, việc ký kết biên bản ghi nhớ và tiêu thụ hành, tỏi giữa địa phương và các doanh nghiệp tại sự kiện giúp hành, tỏi Kinh Môn được bao tiêu đầu ra, tránh tình trạng giá cả trồi sụt và có cơ hội được chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị cao. Lễ hội như một cú hích, thúc đẩy sự phát triển cho cây hành, tỏi của Kinh Môn.
Trong chuyến về Kinh Môn mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Lễ hội thu hoạch hành, tỏi Kinh Môn sắp tới như làn gió mát, mở ra không gian giá trị lớn hơn nhiều lần cho củ hành, tỏi.
“Việc quy vùng tập trung, tạo chuỗi giá trị từ giống, quy trình canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến sâu, đóng gói gắn với nhãn hiệu có truy xuất nguồn gốc sẽ mang lại giá trị cao hơn. Đó chính là tư duy kinh tế nông nghiệp”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan gợi ý cho nông nghiệp ở Kinh Môn.
Sẵn sàng cho ngày hội
Lễ hội thu hoạch hành, tỏi thị xã Kinh Môn năm 2024 được tổ chức trên khu đồng Cầu Yên (xã Hiệp Hòa). Do đây là sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa nâng tầm giá trị cây hành, tỏi nên đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn tất, sẵn sàng cho ngày hội lớn.
Ông Trương Đức San, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết thêm, ngay sau khi có kế hoạch, UBND thị xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, các tiểu ban nội dung - trang trí khánh tiết; tuyên truyền - lễ tân - hậu cần; an ninh trật tự. Các nhiệm vụ đã được giao cụ thể, chi tiết tới từng tiểu ban, bộ phận.
Xã Hiệp Hòa là nơi diễn ra sự kiện nên công tác chuẩn bị tại đây phải được tiến hành kỹ lưỡng, chu đáo. Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa chia sẻ: “Chúng tôi đã tuyên truyền để mỗi người dân hiểu được tầm quan trọng của lễ hội, có ý thức lan tỏa hình ảnh mảnh đất Kinh Môn trù phú, không chỉ có hành, tỏi mà còn nhiều sản vật quý, người Kinh Môn mến khách, thân tình”.
Khu vực diễn ra Lễ hội hành, tỏi đã hoàn tất lắp đặt sân khấu chính, nhà rạp với sức chứa 250 người. Phần nền được san cát, kè gỗ, trải thảm cỏ. Đặc biệt, khu vực diễn ra lễ hội được trang hoàng cờ hoa rực rỡ. UBND xã Hiệp Hòa đã huy động nhân lực từ các đoàn thể, cắm 300 chiếc hồng kỳ dọc các trục đường chính, đường 389B khu vực có nhà dân và hộ kinh doanh kết hợp treo cờ Tổ quốc.
Để chuẩn bị cho phần thi trải nghiệm thu hoạch hành, tỏi diễn ra trong lễ hội, anh Phạm Minh Tuấn ở thôn An Bộ (xã Hiệp Hòa) cùng với 5 thành viên trong đội đã được phổ biến quy chế và tập luyện. “Chúng tôi đã sẵn sàng cho phần thi trong lễ hội. Đây là sự kiện chúng tôi rất mong chờ và kỳ vọng. Lễ hội thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương, khích lệ tinh thần, giúp chúng tôi có động lực hơn trong lao động, sản xuất”, anh Tuấn nói.