Hải Dương bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng, trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã quan tâm tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển du lịch.
Cộng đồng chung tay
Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng cụm di tích đình - chùa Châu Khê (Bình Giang) là di tích lịch sử và nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1991. Tuy nhiên, trải qua năm tháng, nhiều hạng mục trong di tích đã xuống cấp.
Đầu tháng 12/2023, chính quyền và nhân dân xã Thúc Kháng vui mừng tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đình Châu Khê. Công trình tu bổ, tôn tạo các hạng mục: đại đình, tả vu, hữu vu, nghi môn, nhà thủ từ, nhà bia, cảnh quan sân vườn, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Tổng mức đầu tư trên 33 tỷ đồng hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa.
Đền Đươi, xã Thống Nhất (Gia Lộc) được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1992. Cũng như những di tích có niên đại hàng trăm năm, đền Đươi không tránh khỏi sự tác động của thời gian, xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ đổ sập… ảnh hưởng tới việc duy trì tín ngưỡng cho nhân dân và công tác tổ chức lễ hội ở địa phương.
Tháng 9/2023, di tích chính thức được khởi công tu bổ với kinh phí hơn 14 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ ngân sách tỉnh hỗ trợ 5 tỷ đồng, một phần kinh phí địa phương còn lại là từ nguồn xã hội hóa. Các hạng mục được đầu tư tu bổ, tôn tạo gồm: nhà tiền tế, trung từ, hậu cung, tả vu, hữu vu, nghi môn nội và các hạng mục công trình phụ trợ. Công trình dự kiến hoàn thành trong 2 năm.
Trong những năm qua, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh bên cạnh sự quan tâm của các cấp chính quyền, còn có sự tích cực chung tay của các tổ chức, cá nhân. Mỗi năm, các địa phương huy động hàng trăm tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, toàn tỉnh có 59 di tích thực hiện tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp. Trong đó có 18 di tích được tu bổ, chống xuống cấp với kinh phí hơn 5,7 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh; 41 di tích được tu bổ, tôn tạo từ nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa với kinh phí hơn 236 tỷ đồng, riêng kinh phí xã hội hóa đạt trên 100 tỷ đồng.
Phát huy di sản văn hoá phi vật thể
Cùng với bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản văn hoá phi vật thể cũng được tỉnh quan tâm. Kể từ khi tiến hành kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể lần thứ nhất trên địa bàn tỉnh được thực hiện vào năm 2005, đến nay, công tác kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể được ngành văn hóa, thể thao và du lịch triển khai hằng năm. Qua đó đã gìn giữ, phục dựng và phát huy được nhiều di sản văn hoá đặc trưng của xứ Đông như: xây dựng và thực hiện đề án nâng cấp lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc, nghệ thuật hát ca trù được UNESCO ghi danh ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, triển khai kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt…
Đặc biệt, Hải Dương đang phối hợp với 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang hoàn thiện Hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 826 lễ hội tại các địa phương được tổ chức hằng năm. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội không ngừng được nâng cao. Các nghi lễ, nghi thức và trò chơi dân gian truyền thống đều được thực hiện theo đúng truyền thống và theo đúng quy định trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh.
Nghệ thuật cổ truyền với sự hiện diện nhiều loại hình nghệ thuật tiêu biểu như: hát ca trù, hát đối, trống quân, chầu văn, múa rối nước...
Tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 11 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh có 34 cá nhân được phong tặng và truy tặng, trong đó có 2 Nghệ nhân Nhân dân và 32 Nghệ nhân Ưu tú.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho biết từ năm 2021, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Năm 2023 tiếp tục ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung quy định này. Đây là quyết định có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã quy định rõ trách nhiệm quản lý di tích và phân cấp quản lý di tích cho các địa phương để các địa phương chủ động trong việc triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo… tại địa bàn quản lý.