Quốc hội chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 18/1, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%).
Sáng 18/1, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy có 432 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,63%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Luật gồm 16 chương, 260 điều.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đồng thời cũng là dự án luật rất khó và phức tạp.
Dự án luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước.
Đây là dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại 3 kỳ họp thứ 4, 5 và thứ 6; cũng là dự án luật được tổ chức lấy ý kiến toàn dân với khoảng 12 triệu lượt ý kiến đóng góp.
Đến kỳ họp bất thường lần này là kỳ họp thứ 4 dự án luật được Quốc hội xem xét, trong khi quy trình xây dựng luật thông thường, Quốc hội chỉ xem xét một dự án luật trong 2 kỳ họp.
Dự án luật cũng 6 lần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chính thức. Chưa kể, Quốc hội cũng đã tổ chức 2 hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án luật này.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều. So với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo luật đã bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật).
Trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, rà soát kỹ lưỡng, các cơ quan hữu quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung về 18 nhóm vấn đề lớn.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu. Trên cơ sở 29 ý kiến phát biểu và 9 ý kiến góp ý bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay Quốc hội xem xét dự thảo luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giải trình, không còn đại biểu Quốc hội nào phát biểu thêm.
"Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả," Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.