Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách
Vượt lên những khó khăn, năm 2023, Hải Dương nằm trong nhóm 20 địa phương hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách của cả nước.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh hơn 21.000 tỷ đồng, tăng 20% so với dự toán giao. Riêng thu nội địa đạt hơn 18.700 tỷ đồng, vượt gần 24% dự toán và tăng 12% so với năm trước. Số liệu về thu ngân sách đã phản ánh những dấu hiệu tích cực, khởi sắc của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tỉnh. Đây cũng là động lực thôi thúc việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024 ngay từ những ngày đầu năm.
Thời gian qua, xác định việc tạo động lực, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh là điểm tựa tăng trưởng kinh tế, đóng góp nguồn thu ngân sách, lãnh đạo tỉnh cùng cơ quan chức năng luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế. Trong đó, doanh nghiệp đóng góp gần 90% thu ngân sách của tỉnh. Ngoài kịp thời động viên, khích lệ doanh nghiệp, tỉnh còn quyết liệt, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy, chính quyền trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mà niềm tin của doanh nghiệp được củng cố.
Tỉnh đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp không chỉ thông qua việc triển khai các chính sách hỗ trợ mà còn trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp bằng việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc, đối thoại. Nhờ vậy, doanh nghiệp an tâm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng lợi nhuận, đóng góp đầy đủ vào ngân sách.
Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn còn là cơ sở, nền tảng để tỉnh phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Năm 2023, tỉnh có hơn 1.800 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập, gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tỉnh cũng thu hút hơn 1,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và gần 12.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (DDI). Đây là nguồn lực mới, dư địa mới trong thu ngân sách thời gian tới. Vì thế cần có giải pháp, chính sách thấu đáo, phù hợp để biến nguồn lực thành nguồn thu.
Ngoài nuôi dưỡng nguồn thu từ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì bảo đảm quyền lợi, lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp, người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế cũng là cách làm hiệu quả để thu ngân sách bền vững. Khi doanh nghiệp được hưởng thỏa đáng, đầy đủ, kịp thời từ các chính sách hoãn, miễn, giảm thuế sẽ chủ động, tự giác chấp hành nghĩa vụ tài chính vì quyền lợi luôn đi cùng trách nhiệm.
Năm 2024 đã khởi động với nhiệm vụ thu ngân sách nặng nề khi tỉnh giao nhiệm vụ cho các cơ quan tài chính phấn đấu vượt dự toán từ 18-21%. Song nếu quyết tâm cao, tỉnh sẽ tranh thủ thuận lợi, vượt qua khó khăn để đạt kết quả cao nhất trong thu ngân sách. Khắc phục dần một số khoản thu chưa thật sự bền vững cũng như tình trạng phụ thuộc vào nguồn thu từ đất và số ít doanh nghiệp lớn...