Bình luận

Mỹ định đưa Houthi trở lại danh sách khủng bố toàn cầu

TB (tổng hợp) 17/01/2024 11:05

Danh sách khủng bố toàn cầu mà Mỹ định đưa Houthi trở lại không bao gồm các biện pháp trừng phạt hoạt động hỗ trợ vật chất, không đi kèm với các lệnh cấm nhập cảnh.

Chú thích ảnh
Các tay súng Houthi ở Yemen

Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã liệt Houthi là tổ chức khủng bố nước ngoài bất chấp phản đối mạnh mẽ của các nhóm viện trợ nhân quyền và nhân đạo.

Khi Houthi nằm trong danh sách này, người Mỹ cũng như những cá nhân và tổ chức thuộc quyền tài phán của Mỹ bị cấm hỗ trợ vật chất cho Houthi.

Lệnh cấm này khiến các tổ chức viện trợ cho rằng sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo thậm chí còn lớn hơn những gì đã xảy ra ở Yemen.

Đến thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã loại bỏ Houthi khỏi danh sách khủng bố để duy trì lượng thực phẩm, thuốc men và viện trợ cần thiết khác cho người Yemen.

Danh sách khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt mà Mỹ định đưa Houthi trở lại không bao gồm các biện pháp trừng phạt hoạt động hỗ trợ vật chất, không đi kèm với các lệnh cấm nhập cảnh như các đối tượng nằm trong danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Vì vậy, động thái này của Mỹ có thể không gây trở ngại đáng kể cho hoạt động cung cấp viện trợ cho dân thường Yemen.

Thông tin về kế hoạch trên của Mỹ xuất hiện trong bối cảnh lực lượng Houthi đã tiến hành hàng chục cuộc tấn công kể từ tháng 11/2023 nhằm vào các tàu ở Biển Đỏ, một hành lang quan trọng cho giao thông vận tải biển trên thế giới.

Các lực lượng của Mỹ và Anh đã đáp trả bằng cách thực hiện hàng chục cuộc tấn công trên không và trên biển nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen từ ngày 11/1.

Trong khi đó, ngày 16/1, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan khẳng định rằng Mỹ và đồng minh phải cùng nhau giải quyết mối đe dọa do Houthi gây ra đối với các tàu thương mại ở Biển Đỏ để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Ông Sullivan thừa nhận các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ, cũng như các cuộc tấn công mà các lực lượng khác gây ra ở Liban, Syria, Iraq và Yemen, đặt ra mối lo ngại rằng cuộc chiến Israel - Hamas có thể leo thang ngay cả khi các quan chức Israel đang giảm cường độ chiến dịch quân sự ở Gaza.

Ông Sullivan nói: “Chúng ta phải đề phòng và cảnh giác trước khả năng rằng trong thực tế, thay vì hướng tới giảm leo thang, chúng ta đang trên con đường leo thang mà chúng ta phải quản lý”.

Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ đã gây ra gián đoạn đáng kể cho thương mại toàn cầu. Giá dầu đã tăng cao hơn trong những ngày gần đây, mặc dù giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm nhẹ vào đầu phiên giao dịch ngày 16/1.

Tuần trước, bà Linda Thomas Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, cho biết từ tháng 11/2023, 2.000 tàu đã buộc phải chuyển hướng và đi xa hơn hàng nghìn km để tránh Biển Đỏ. Houthi đã đe dọa hoặc bắt giữ các thủy thủ làm con tin từ hơn 20 quốc gia.

Dù liên tục tấn công Houthi nhưng điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông John Kirby nhấn mạnh Mỹ không muốn gây chiến với Houthi.

Trong khi đó, theo hãng tin TASS, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya đánh giá những lý lẽ của Mỹ và Anh đưa ra liên quan đến chiến dịch tấn công Houthi là “vô cùng yếu ớt”. Ông Nebenzya nói: “Không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho chiến dịch tấn công này vào chủ quyền của Yemen”.

Đại sứ Nebenzya nhấn mạnh liên minh của Mỹ không có ủy quyền hợp pháp nào để thực hiện hành động vũ lực. Ông kết luận: “Bảo vệ hoạt động vận tải thương mại là một chuyện, những vụ tấn công tàu thuyền thương mại là không thể chấp nhận được, nhưng tấn công một cách bất hợp pháp và không tương xứng nhằm vào một quốc gia khác lại là một câu chuyện hoàn toàn khác”.

TB (tổng hợp)