Tiềm năng vùng nuôi thủy sản, khai thác rươi, cáy ở Thanh Xuân
Vùng đất bãi ven sông Văn Úc ở xã Thanh Xuân (Thanh Hà) trù phú, giàu tiềm năng khai thác rươi, cáy, giúp người dân giàu lên.
Thu tiền tỷ từ vùng đất bãi
Kết thúc mùa rươi chính vụ, ông Nguyễn Quang Tý ở thôn Xuân Áng rất phấn khởi vì năm nay được mùa, ông thu gần 1 tỷ đồng từ rươi, cáy.
Dù đã quá nửa đời người nhưng ông Tý vẫn cần mẫn, chịu thương chịu khó, không quản ngại vất vả. Khi nhiều người từ bỏ vùng đất bãi vì không mang lại giá trị kinh tế cao, ông và gia đình vẫn kiên trì bám trụ, biến những mảnh ruộng ngập nước thành bãi khai thác rươi tiền tỷ. Trước đây, gia đình ông Tý có 4 mẫu ruộng bãi, sau khi bỏ lúa, ông chuyển sang trồng ổi. Từ ngày lập vồng, vun đất trồng ổi, gia đình ông Tý không có thời gian nghỉ ngơi, phải chăm sóc tỉ mỉ cho cây, bọc quả từ khi mới ra đến lúc được thu hoạch. Vất vả là vậy nhưng thu nhập không cao. Vì thế năm 2020, gia đình ông đã đầu tư hàng tỷ đồng mua lại đất bãi của những người không có nhu cầu canh tác để khai thác rươi. Đến nay, gia đình ông có 5 ha khai thác rươi, cáy, mỗi năm thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Theo ông Tý, những năm đầu cải tạo đất và môi trường khai thác rươi, cáy còn vất vả nhưng giờ đã đỡ hơn rất nhiều. Cải tạo đất thì có mùa, còn rươi thu hoạch có vụ, không “con mọn” như trồng ổi.
Gia đình chị Châm (cùng thôn Xuân Áng) vừa thu hoạch đợt cá cuối cùng trong năm. Vừa cộng trừ tiền cá, chị vừa vui vẻ nói: “Năm nay mới bắt đầu ổn định, những năm trước dịch bệnh, cám thì đắt đỏ, cá bán ra còn khó nhưng nay thương lái về mua cá chép giòn bán khắp miền Bắc”.
Được mùa nên cả người nuôi và người mua cá đều phấn khởi. Dù có lúc thị trường tiêu thụ chậm nhưng nuôi cá hay rươi, cáy không sợ ế ẩm như những nông sản khác. Gia đình chị Châm ra vùng đất bãi này từ khi cánh đồng vẫn hoang sơ, sau đó mới cải tạo thành vồng, vườn, trên thì trồng mít, chuối, dưới thì nuôi cá, khai thác rươi, cáy. Hết mùa thu hoạch chuối thì đến mít, rồi cá, rươi. Mùa nào thức ấy. “Tiền tuy không nhiều nhưng cũng có quanh năm”, chị Châm cười nói.
Hiện nay, gia đình chị Châm có 20 mẫu mặt nước khai thác rươi, cáy và nuôi cá. Mỗi năm gia đình chị cũng thu hơn 1 tỷ đồng từ rươi cáy, cá.
Xã Thanh Xuân có 99,8 ha đất bãi, được quy hoạch vùng nuôi thủy sản, khai thác rươi, cáy, nhiều nhất huyện Thanh Hà. Đến nay có khoảng 60 ha đã được người dân khai thác rươi, cáy, cá, còn lại là cây ăn quả. Hiện có 41 hộ canh tác tại vùng này, đạt thu nhập cao, nhiều hộ giàu. Tổng thu từ rươi, cáy ở vùng bãi năm 2023 đạt 25 tỷ đồng.
Cần đầu tư
Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ về nuôi thủy sản, khai thác rươi, cáy nên năm 2020, tỉnh đã đầu tư xây dựng 1,5 km đường bê tông xi măng ra đồng, rộng 3 m cho khu này. Tuy nhiên, để nông dân sản xuất hiệu quả hơn nữa, thời gian tới rất cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành. Hiện nay đường ra đồng vẫn là đường đất nên việc sản xuất, thu mua nông sản còn nhiều khó khăn. Một số cây cầu sang vùng đất bãi do người dân xây dựng từ lâu đã xuống cấp, đi lại không bảo đảm.
Vùng nuôi thủy sản, khai thác rươi, cáy của Thanh Xuân cần khoảng 6 km đường bê tông, xi măng ra các bãi rươi, cáy và cầu sang sông để người dân đi lại, sản xuất thuận lợi hơn. Nhiều người mong muốn được làm nhà trông coi để tránh lúc mưa, nắng và bảo quản thủy sản.
Ông Hoàng Văn Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết xã còn nhiều khó khăn, không có nguồn để đầu tư nên rất mong tỉnh, huyện quan tâm. Đây là vùng đất bãi màu mỡ, nhiều tiềm năng, rươi, cáy ở đây đều chất lượng hơn những vùng khác. Hiện nay, nhiều người ra vùng đất này canh tác đã tự làm vườn, trồng cây, trồng hoa ven đường, làm sống lại vùng đất từ lâu như bị bỏ hoang.
Vùng nuôi thủy sản, khai thác rươi, cáy ở xã Thanh Xuân chủ yếu nằm ở thôn Xuân Áng. Tiềm năng về kinh tế ở khu này đang dần trở thành thế mạnh của xã. Hiện nay, xã Thanh Xuân đã đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trong đó có làm đường và làm cầu. Nếu nơi đây được đầu tư xứng tầm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân mà sẽ dần hình thành lên một khu sinh thái lý tưởng ngay ven sông Văn Úc.