Tác giả - Tác phẩm

Vũ Ngọc Thư - Người thơ của đồng đội

PHẠM XƯỞNG 25/01/2024 14:00

Thương binh hạng 2/4 Vũ Ngọc Thư ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) là gương mặt thơ quen thuộc qua nhiều thi phẩm, trong đó có hàng trăm bài thơ về đồng đội.

dsc03855.jpg
Ông Vũ Ngọc Thư (người đứng giữa) cùng đồng đội trong một cuộc giao lưu thơ do ông chủ trì

Người lính “ra đi từ mái tranh nghèo” yêu thơ

78 năm về trước, mồ côi cả cha và mẹ khi mới 2 tuổi, Vũ Ngọc Thư ở với chú thím. Thành niên, sớm thạo việc đồng áng, tháo vát trong quan hệ xã hội và bộc lộ năng lực thi ca, anh được cấp ủy chi bộ địa phương bồi dưỡng về chính trị tư tưởng, kết nạp Đảng rồi “cơ cấu” vào Ban Chấp hành xã đoàn, làm Bí thư. Đến ngày 7/1/1967, chuẩn bị được người đảm nhiệm công tác thay anh, xã mới đồng ý cho anh đi bộ đội…

Ngày 14/9/1968, Tiểu đội trưởng kiêm Tổ trưởng đảng Vũ Ngọc Thư chỉ huy mũi vu hồi trong đội hình Đại đội 3 (Tiểu đoàn 234, Đoàn 770 Vận tải Hậu cần miền Đông Nam Bộ) quyết chiến với địch để bảo vệ kho vũ khí. Anh bị thương vào đầu, mất 61% sức khỏe. Tuy ở diện được chuyển ra Bắc nhưng anh đề nghị và được cấp trên đồng ý cho ở lại hậu cứ làm công tác chính sách, sửa chữa doanh trại…

Đất nước thống nhất, thương binh hạng 2/4 Vũ Ngọc Thư trở lại quê hương lăn lộn mưu sinh đan xen nỗi canh cánh về những kỷ niệm chiến trường cùng đồng đội nơi “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Tất cả bừng lên, khai mở hồn thơ hoài niệm hiện tại - quá khứ, quê hương - chiến trường trong Vũ Ngọc Thư. Hàng ngàn câu thơ mới, được ông viết ra “góp vào tri ân” miền quê đã sinh ra và dưỡng dục ông thành người, cũng như những vùng đất từng cho ông nghị lực để sống trên bom thù, cứu nước.

Có thể nói, thơ Vũ Ngọc Thư là sản phẩm từ sự “giao duyên” giữa người nông dân được “Chắt từ rơm rạ đồng làng” bẩm sinh năng khiếu thơ với chính anh - “người lính ra đi từ mái tranh nghèo” vào công cuộc giải phóng miền Nam. Nó không những cuốn hút bạn đọc bởi giá trị thẩm mỹ, mà còn đáng nể phục về khối lượng. Tiêu biểu là các chứng chỉ: Giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi thơ “Người lính và chiến tranh cách mạng”, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương tổ chức năm 2014; giải nhì rồi giải tư cuộc thi thơ "Đất và người Hải Dương" của UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, năm 2016. Bên cạnh đó là những tập thơ Lắng đọng thời gian, Lá nhặt, Tiếng mưa, Mùa trăng cháy, Lục bát cõng mưa, Thơ lục bát Vũ Ngọc Thư, Xương rồng không gai, Em ơi đừng hỏi, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành trước năm 2019, cùng chứng chỉ: Giải ba (không có giải nhất) cuộc thi Thơ lục bát Tạp chí Văn nghệ quân đội 2010 - 2011.

Chào năm mới 2024, Vũ Ngọc Thư cho ra mắt tập thơ lục bát 68 nốt trầm trong cỏ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) và tập truyện ngắn viết về chiến tranh và người lính (Nhà xuất bản Văn học), đều được ấn hành cuối năm 2023.

Những “khúc ru đồng đội”

Lượng tác phẩm viết về đồng đội chiếm đa số trong gia sản thơ Vũ Ngọc Thư. Đó là nét đẹp bình dị về sứ mệnh hiển nhiên của “Chàng trai làng Gióng” khi Tổ quốc bị xâm lăng (gói cuộc chiến tranh vào manh áo bạc mà thành đời trai). “Bao đời dẹp bắc đánh đông/ Thời nào gươm súng cũng trong tay cày/ Cả đời làm lính áo xanh/ Mang hồn của nước đứng canh đất trời”. Non sông yên hàn: “Biết là trận đánh đã xong/ Vẫn vương số phận ở trong trận đồ/ Thôi thì xếp lại bàn cờ/ Vác cày, bạn lại tinh mơ ra đồng”. Người lính ấy hiện thân truyền thống "ngụ binh ư nông" của dân tộc; là kế thừa, phát triển nét vàng trong tư tưởng kháng chiến kiến quốc: “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”...

Đó là nỗi nhớ đồng đội ân tình máu thịt. Đã sâu sắc ở những lặn lội rừng sâu, bom thù, lại còn sâu hơn thế ở ngay giữa cảnh đất nước khải hoàn.Cờ bay trong nắng mùa thu/ Ta ngồi thầm lặng hát ru bạn mình/ Đi qua một cuộc chiến chinh/ Nhận ra đất nước thanh bình từ đâu/ Người ngã xuống chẳng thấy đau/ Nỗi đau thắm đỏ trên màu cờ bay”...

Với những anh hùng liệt sĩ “ngã xuống để Tổ quốc muôn năm”, Vũ Ngọc Thư không bao giờ cho rằng họ đã mất. Cắm nén hương trầm lên những ngôi mộ 10 nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, ông nghĩ về các chị: “Ở đây gái vẫn phòng không/ Điểm trang mười đóa hoa hồng cài nhau/ Vẫn là chị trước, em sau/ Vẫn ngôi sao ở trên đầu dẫn đi”. Với trăm ngàn chàng trai “còn ở nơi đâu”, ông thủ thỉ khẩn cầu họ về với quê hương muôn ngóng ngàn trông: “Về đi, người ấy chưa chồng/ Vẫn vun vén ngọn cải ngồng xa xăm/ Đêm nằm đè mấy mươi năm/ Sợi tơ quấn quýt thân tằm mải mê”...

Tìm hài cốt đồng đội nơi rừng xanh núi đỏ, thấy cây lá cũng "rưng rưng" nhớ những người lính. Trước mộ liệt sĩ Vũ Văn Kim (sinh thời cùng nhập ngũ một ngày với nhau), ông khóc: “Tao thương mày chỉ một mình/ Rừng già lá phủ bóng hình hôm nao/ Kìa mày lạnh đến thế sao/ Mà run run cả sang tao thế này?”.

Lời ru đồng đội, bằng cả “Lời sông, lời núi, lời trăng, lời người: Mẹ ru trai tráng của làng/ Thành ngôi sao đứng trong hàng quân reo/ Lời ru mẹ đất quê nghèo/ Có đến được hết núi đèo rừng xanh! Ngủ đi các chị, các anh/ Ngàn năm giấc ngủ mà thành nước non".

Vũ Ngọc Thư đã viết nên những lời ru bằng nỗi niềm sâu thẳm, bao la tình cựu chiến binh, bằng năng khiếu thơ bẩm sinh và một ý thức: “Chữ không “theo đóm ăn tàn”/ Thẳng như lính trẻ xếp hàng áo xanh”.

PHẠM XƯỞNG