Nữ hoàng Đan Mạch truyền ngôi cho con trai, còn bao nhiêu vị vua trên thế giới?
Sự thay đổi thế hệ tại 1 trong 7 hoàng gia trị vì ở châu Âu đang diễn ra. Hôm nay 14/1, Nữ hoàng Đan Mạch Margarethe II, 83 tuổi, sẽ nhường ngôi cho Thái tử Frederik sau 52 năm bà ngự trên ngai vàng.
Theo đài truyền hình DW của Đức, thông báo thoái vị bất ngờ từ Nữ hoàng Đan Mạch Margarethe II đang đi theo xu hướng: các vị vua, nữ hoàng lớn tuổi nghỉ hưu và nhường ngôi cho con cái.
Một thế hệ trẻ lên ngai vàng
Ở tuổi 55, Thái tử Frederik của Đan Mạch dành cả đời để chuẩn bị cho công việc lên ngôi vua này. Nhưng theo người viết tiểu sử, đó là điều mà ông miễn cưỡng thừa nhận. “Tôi không muốn làm vua”, ông từng hét lên với bảo mẫu khi còn nhỏ.
Ông và người vợ người Úc của mình, Công nương Mary, đã sinh ra những người thừa kế ngai vàng, bảo đảm sự tiếp nối của triều đại hoàng gia lâu đời nhất ở châu Âu. Các cuộc thăm dò cho thấy 80% người Đan Mạch hài lòng với quân vương của họ.
Công chúa Thụy Điển Victoria và Hoàng tử Na Uy Haakon là những người tiếp theo sẽ lên ngai vàng. Công chúa Victoria sắp kế vị cha cô, Vua Carl XVI Gustaf, người đã ngồi trên ngai vàng hơn 50 năm. Hoàng tử Haakon sẽ thay thế người cha 86 tuổi của mình, Vua Harald V, người hiếm khi xuất hiện trước công chúng vì sức khỏe yếu.
Ở các vương quốc châu Âu, các vị vua và hoàng hậu nói chung có vai trò mang tính nghi lễ, có ít quyền lực chính trị. Điều này cũng áp dụng cho hoàng gia của các công quốc Luxembourg, Liechtenstein và Monaco.
Một quốc gia nhỏ bé khác, công quốc Andorra, nằm giữa thung lũng cao của Pháp và Tây Ban Nha, luôn có hai đồng hoàng tử đóng vai trò là nguyên thủ quốc gia. Một hoàng tử là giám mục người Tây Ban Nha của hạt Urgell (Tây Ban Nha); người còn lại là Tổng thống Pháp. Điều này có nghĩa là ông Emmanuel Macron hiện không chỉ là tổng thống của Cộng hòa Pháp mà còn là một hoàng tử trong nền dân chủ nghị viện của Andorra.
Chế độ quân chủ tự chọn duy nhất ở châu Âu mà ngai vàng không phải truyền theo huyết thống là Vatican. Giáo hoàng Francis không chỉ đứng đầu Giáo hội Công giáo mà còn là người cai trị tuyệt đối của quốc gia nhỏ nhất thế giới: Vatican.
Bà Monika Wienfort, nhà sử học và chuyên gia về hoàng gia của Đại học Potsdam (Đức), cho biết: “Tôi nghĩ rằng hầu hết công dân của các quốc gia theo chế độ quân chủ thực sự thích chế độ quân chủ của họ”.
43 quốc gia theo chế độ quân chủ trên toàn cầu
Mô hình quân chủ cai trị ở 43 quốc gia trên thế giới, chiếm 22% trong số 194 quốc gia được chính thức công nhận.
Ngoài châu Âu, các chế độ quân chủ có ở Caribê, châu Phi, Trung Đông và châu Á.
Nhiều nước có nguồn gốc từ đế quốc Anh và vua Anh vẫn là nguyên thủ quốc gia ở 14 nước ngoài châu Âu - bao gồm cả Canada và Úc.
Tại Nhật Bản, nhà vua được gọi là Hoàng đế hoặc Thiên hoàng. Vào năm 1945 trở về trước, Thiên hoàng có uy quyền rất lớn như có quyền giải tán nghị viện và lãnh đạo tối cao của quân đội... Sau thất bại trong Thế chiến 2, Thiên hoàng không còn thực quyền mà chỉ là người đứng đầu quốc gia (nguyên thủ) về danh nghĩa và được xem như là biểu tượng của đất nước Nhật Bản.
Ở 6 quốc gia, quốc vương, Sheikh (theo người Ả Rập, có nghĩa là trưởng lão hoặc chúa) hoặc tiểu vương là người cai trị tuyệt đối mà không có sự kiểm soát của quốc hội hoặc tư pháp: Brunei, Oman, Qatar, Saudi Arabia, Eswatini (trước đây là Swaziland) và Vatican.
Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Jordan hay Morocco, nhà vua có quyền lực chính trị do hiến pháp xác định.
Ở châu Á, Malaysia có chế độ quân chủ chọn vua qua bầu cử duy nhất, hiện do Sultan Abdullah Sultan Ahmad Shah nắm giữ, được các vua của 9 vùng của đất nước bầu.
Tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), chức vụ nguyên thủ quốc gia được chọn từ các hoàng tử trong gia đình hoàng gia cầm quyền.
Tài sản của vua
Vị vua giàu nhất thế giới, Rama X của Thái Lan, có tài sản từ 30 - 43 tỉ USD, theo ước tính của tạp chí US Business Magazines. Hoàng tử giàu nhất châu Âu là Hans-Adam II của Liechtenstein, với tài sản khoảng 3,5 tỉ USD. Vua Charles III của Anh có tài sản riêng trị giá 1,8 tỉ USD.
Vào ngày 14/1, Nữ hoàng thoái vị Margarethe II của Đan Mạch sẽ trao 30 triệu USD ít ỏi trong kho bạc của triều đình cho con trai bà là Vua Frederik. Con số này vẫn còn nhiều hơn đáng kể so với những gì nhà vua Tây Ban Nha có - chỉ 10 triệu USD, đưa ông xuống vị trí cuối cùng về tài sản của các hoàng gia ở châu Âu.