Cải bắp Gia Lộc an toàn, chất lượng tốt
Với việc sản xuất theo quy trình VietGAP, được cấp chứng nhận đạt OCOP, cải bắp của một số xã ở huyện Gia Lộc bảo đảm an toàn, chất lượng tốt, ngày càng khẳng định được giá trị trên thị trường.
Quy trình chặt chẽ
Gia đình bà Tăng Thị Lắm ở đội 6, thôn Phúc Tân (xã Gia Tân) có 8 sào cải bắp. Sau khi được tập huấn chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, bà Lắm đã thấy được sự khác nhau so với cải bắp canh tác truyền thống. Bà Lắm cho biết từ khâu vệ sinh, làm ruộng, nước tưới, chọn giống, phân bón, thuốc trừ sâu, chăm sóc, thu hoạch đều theo trình tự chặt chẽ và được bà ghi chép cẩn thận để tiện theo dõi. “Áp dụng quy trình trồng trọt này tôi thấy phức tạp, nhiều công đoạn nhưng sản phẩm làm ra an toàn nên chúng tôi nghiêm túc chấp hành. Tôi nhận thấy rau màu sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hơn”, bà Lắm nói.
Với mục tiêu xây dựng cải bắp thành sản phẩm OCOP, từ năm 2022, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Gia Tân quy hoạch gần 8 ha ở thôn Phúc Tân để xây dựng quy trình sản xuất VietGAP với 43 hộ tham gia. Ông Nguyễn Long Tuyền, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Gia Tân cho biết: “Chúng tôi phải khảo sát vị trí thực hiện, thăm dò sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân. Chúng tôi chọn Phúc Tân vì bà con khu vực này chỉ chuyên trồng cải bắp và nhân dân có ý thức cao trong sản xuất nông nghiệp".
Để khẳng định sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn, xã Tân Tiến chú trọng khâu kiểm tra. Theo ông Nguyễn Văn Ơn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Tiến, mỗi năm cán bộ phụ trách tài nguyên, môi trường xã cùng với trạm y tế xã tổ chức kiểm tra ít nhất 2 lần xem bà con có thực hiện quy trình sản xuất, ghi chép sổ sách hay không. Hằng ngày, cán bộ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp đi thăm đồng, nắm bắt tình hình sản xuất của bà con nông dân để có điều chỉnh phù hợp. Đơn vị thu mua rau tại địa phương cũng tham gia vào việc kiểm tra để có sản phẩm an toàn, chất lượng. "Do đó, rau cải bắp của xã Tân Tiến bảo đảm an toàn khi xuất ra thị trường", ông Ơn khẳng định.
Tích cực hỗ trợ nông dân
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc, năm 2023, huyện có sản phẩm cải bắp của các HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến, Gia Tân và Hoàng Diệu được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Trước đó, từ năm 2019, cải bắp của HTX Tân Minh Đức (Phạm Trấn) được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Tổng diện tích các vùng sản xuất trên 50 ha.
Để xây dựng và phát triển cải bắp thành sản phẩm OCOP, thời gian qua, Gia Lộc đã có nhiều giải pháp. Bà Tăng Thị Hạnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Lộc cho biết: “Chúng tôi tham gia khảo sát vùng trồng, tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ xây dựng mã vùng nội địa, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm để thuận lợi khi tiêu thụ trên thị trường”.
Để nông dân xây dựng vùng rau an toàn, năm 2023, xã Tân Tiến đã hỗ trợ 10 triệu đồng/ha với tổng kinh phí 50 triệu đồng tại thôn Quán Đào. Ông Nguyễn Thanh Ngành, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ bà con xây dựng bờ vùng, bờ thửa, mua cây con giống, phân bón… nhằm xây dựng vùng sản xuất rau OCOP của địa phương. Xã cũng đang làm tuyến đường ra đồng dài gần 1 km với kinh phí gần 1 tỷ đồng để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa của nông dân”.
Từ khi được chứng nhận OCOP, việc tiêu thụ nông sản của nông dân thuận tiện hơn rất nhiều. Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức chia sẻ, sản phẩm cải bắp của hợp tác xã tiêu thụ thuận lợi hơn rất nhiều khi được nhiều cửa hàng, siêu thị, bếp ăn thu mua với số lượng lớn, giá cũng cao hơn giá bình quân của thị trường. Nhờ đó, thu nhập của nông dân cũng được tăng thêm đáng kể.
Với việc sản xuất theo quy trình sạch, chắc chắn sản phẩm cải bắp của nông dân Gia Lộc sẽ khẳng định được giá trị trên thị trường.